Đây là nội dung chính của Hội nghị triển khai giải pháp thực hiện đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 21/6.
Tình hình khai thác cát trái phép ngày càng phức tạp
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ở khu vực các tuyến sông, tình trạng khai thác cát trái phép thời gian qua thường xảy ra vào ban đêm, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh như khu vực sông Sài Gòn đoạn giáp ranh giữa huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương, trên sông Đồng Nai khu vực giáp ranh giữa Quận 9 và tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép là nơi giáp ranh vùng biển Cần Giờ, khu vực cồn Tây Sương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cồn Ngựa, tỉnh Tiền Giang.
Từ đầu năm đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 24 vụ với 22 phương tiện, 38 đối tượng bơm hút cát trái phép, tạm giữ khoảng 1.800 m3 cát, xử phạt hành chính số tiền gần 80 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phát hiện 35 vụ, 53 phương tiện có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, tịch thu 3.500 m3 cát, 78 máy, 788 m đường ống, xử phạt hành chính hơn 700 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Công tác phát hiện, xử lý khai thác cát trái phép gặp khó khăn vì theo quy định pháp luật, tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát trái phép phải từ 50m3 trở lên, nên khi bị phát hiện các đối tượng thường điều khiển phương tiện bỏ chạy, xả cát xuống biển nhằm tẩu tán tang vật.
Việc tiếp cận và xử lý trường hợp vi phạm cũng gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nhất là vào ban đêm, sóng to gió lớn, đối tượng vi phạm thường bỏ chạy ngay khi bị phát hiện nên việc truy bắt rất khó khăn, nguy hiểm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép là nơi giáp ranh nên khi gặp lực lượng tuần tra, đối tượng thường nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy.
Phương tiện hoạt động trên biển của các Đồn Biên phòng Long Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An và Công an huyện Cần Giờ chưa được trang bị đầy đủ, ca nô của các đơn vị có công suất từ 85-350 CV chỉ hoạt động hiệu quả ở sông và vùng nước ven bờ, không chịu được sóng to gió lớn trên biển trong khi phương tiện khai thác cát trái phép có công suất từ 1.000-1.200 CV có thể hoạt động xa bờ.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở địa phương giáp ranh chưa được chặt chẽ, thống nhất, các đối tượng thường neo đậu phương tiện tại cảng Sao Mai, Phú Mỹ, Cái Mép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sang vùng biển Cần Giờ khai thác rồi vận chuyển về tiêu thụ tại các dự án san lấp lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Quận 9.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, ông Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác xử lý tình trạng khai thác cát trái phép gặp khó khăn vì hoạt động của các đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng có hành vi chống đối lực lượng chức năng hoặc đánh chìm phương tiện, tang vật vi phạm để trốn tránh trách nhiệm và bỏ trốn.
Các đối tượng vi phạm là người làm thuê hoặc sử dụng phương tiện thuê của người khác nên cũng gặp khó khăn trong xử lý phương tiện, tang vật. Việc sử dụng các phương tiện của đơn vị được trang bị trong tổ chức triển khai lực lượng mật phục, bắt giữ hiệu quả không cao, dễ bị các đối tượng theo dõi, phát hiện...
Kiên quyết đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép
Đối với giải pháp thực hiện phòng, chống khai thác cát trái phép, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh Tô Danh Út cho biết: Đơn vị đang phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra về môi trường, Công an Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn thành phố.
Đơn vị cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát vị trí xây dựng chốt kiểm soát trên biển và đưa ra mô hình chốt, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật; đồng thời phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh giáp ranh, Vùng 3 Cảnh sát biển nhằm xây dựng quy chế phối hợp.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác cát trái phép, Ủy ban nhân dân huyện giao Ủy ban nhân dân các xã xây dựng lực lượng vệ tinh nhằm phát hiện, cung cấp thông tin về các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép để đoàn kiểm tra liên ngành huyện xử lý kịp thời.
Công an các xã dọc sông Sài Gòn lập danh sách đối tượng có phương tiện thủy và cá nhân tham gia hoạt động khai thác cát nhằm tuyên truyền, ký cam kết không tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 22 và Công an huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã đẩy mạnh kiểm tra hóa đơn, chứng từ, truy xuất nguồn gốc cát của cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm về tiêu thụ cát khai thác trái phép trên sông Sài Gòn.
Nhằm xử lý triệt để vấn đề khai thác cát trái phép, ngày 3/6/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành đề án Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh.
Đề án có thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2022 trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tranh, Soài Rạp, Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa các địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh sẽ rà soát quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thủy; xem xét đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp. Ngành chức năng tăng cường biện pháp xử lý các phương tiện và người tham gia điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép đảm bảo đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa, tái diễn.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Khai thác cát trái phép có thể gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và tài nguyên cũng như đời sống người dân ở các vùng ven sông, ven biển. Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh phòng chống khai thác cát trái phép.
Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, giữa thành phố với các tỉnh còn hạn chế, bên cạnh đó là việc thiếu phương tiện, trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ tuần tra, kiểm soát, địa bàn quản lý rộng. Vì lợi nhuận kinh tế lớn, các đối tượng tìm mọi cách khai thác cát trái phép, thường hoạt động vào ban đêm, khai thác ở khu vực giáp ranh để dễ trốn chạy, tìm cách tẩu tán cát trái phép khi bị phát hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, cần có sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương cũng như giữa thành phố với các tỉnh giáp ranh, cụ thể hóa nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương. Đối với kinh phí cần đầu tư, bổ sung trang thiết bị, cần chọn một số hạng mục quan trọng đầu tư của từng sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp xem xét và bố trí nguồn kinh phí.
Ngoài ra, cần mở đợt cao điểm kiểm tra điểm nóng về khai thác cát trái phép, chủ động bố trí phương tiện để kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép ở các tuyến sông, vùng biển Cần Giờ. Ngành chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính, cần xử lý hình sự một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng để tăng tính răn đe.