Phê duyệt Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ

Ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


 

Trạm kiểm tra tải trọng xe QL18 Quảng Ninh.

 

Mục tiêu phát triển của quy hoạch nhằm từng bước hình thành hệ thống, mạng lưới kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe trên đường bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ; thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ.


Theo đó, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, phấn đấu hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.200 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác; đầu tư trang bị cân lưu động để khi cần thiết sẽ thành lập các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường chưa có trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoặc thực hiện việc kiểm tra đột xuất ngay tại đầu các nguồn hàng có nhiều xe quá tải.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 500 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác.


Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 300 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác.


Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2030, đầu tư xây dựng 45 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trên hệ thống đường bộ hiện có. Trong đó: 11 trạm đặt trên QL1; 4 trạm đặt trên đường Hồ Chí Minh; 2 trạm đặt trên quốc lộ 3; 2 trạm đặt trên quốc lộ 6; 2 trạm đặt trên quốc lộ 32; 24 trạm còn lại nằm trên các đoạn tuyến: quốc lộ 2, quốc lộ 4B, quốc lộ 5, quốc lộ 7, quốc lộ 8, quốc lộ 9, quốc lộ 10, quốc lộ 12, quốc lộ 12A, quốc lộ 13, quốc lộ 14B, quốc lộ 15, quốc lộ 18, quốc lộ 19, quốc lộ 20, quốc lộ 21, quốc lộ 22, quốc lộ 24, quốc lộ 26, quốc lộ 38, quốc lộ 51, quốc lộ 54, quốc lộ 70, quốc lộ 91.


Kinh phí đầu tư xây dựng các trạm kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ hiện có dự kiến là hơn 6.400 tỷ đồng, sử dụng từ ngân sách trung ương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; được thực hiện thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2012 - 2015) đầu tư xây dựng 13 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và đầu tư trang bị 142 bộ cân lưu động với kinh phí dự kiến là hơn 1.100 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2016 - 2020) xây dựng 19 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định với kinh phí dự kiến là hơn 2.400 tỷ đồng; giai đoạn 3 (2021 - 2030) đầu tư xây dựng 13 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định với kinh phí dự kiến hơn 2.800 tỷ đồng.


Đối với hệ thống đường cao tốc và các tuyến đường bộ xây dựng mới, Bộ Giao thông Vận tải xác định cụ thể vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định ngay trong giai đoạn lập dự án đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vào quy hoạch.


Cũng theo quy hoạch, các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định áp dụng các công nghệ hiện đại, bảo đảm kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; hạn chế tối đa sự tác động, can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe tại trạm; giảm thiểu ảnh hưởng đến các đối tượng không thuộc diện phải kiểm tra trong quá trình hoạt động của trạm.


Tin, ảnh: Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN