Phẫu thuật thành công cho cụ ông bị hoại tử chân

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bắc cầu động mạch đùi khoeo cho một bệnh nhân bị hoại tử chân do tắc động mạch chi dưới, tránh việc cắt cụt chân cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là cụ ông Nguyễn Văn Mãnh (74 tuổi, cư ngụ tại Ngãi lộ B, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Trước đó, cụ Mãnh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ khám trong tình trạng bàn chân bị lở và đau nhức dữ dội. Sau khi làm các xét nghiệm đánh giá, các bác sĩ xác định: Bệnh nhân bị hoại tử bàn chân phải do thiếu máu bán cấp, viêm tắc mạch mạn tính 2 chân. Kết quả chụp CT mạch máu phát hiện động mạch đùi 2 bên của bệnh nhân bị tắc hoàn toàn, cẳng bàn chân 2 bên chỉ được tưới máu nhờ vào các nhánh nối bàng hệ, chân phải thiếu máu nặng nề hơn nên bàn chân đã có dấu hiệu hoại tử.


Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch đùi - khoeo bên phải bằng mảnh ghép tĩnh mạch hiển lớn tự thân, tránh việc cắt cụt chân cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ, do các bác sĩ êkíp mổ tim mạch bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiến hành. Sau phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhân đã ấm lên, mạch cổ chân đã có lại, các chỗ hoại tử có dấu hiệu phục hồi và bệnh nhân hết đau nhức hoàn toàn.

Theo bác sĩ Hải (cũng là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân), hẹp tắc các động mạch ở chân là bệnh lý rất nguy hiểm, thường biểu hiện bằng dấu hiệu đau cách hồi (đau tăng khi đi lại, ngồi nghỉ đỡ đau, đi lại tiếp tục đau). Bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu không được điều trị tốt, bênh nhân có thể hoại tử chân và buộc phải cắt cụt (thường là phải cắt cụt chân đến 1/3 dưới đùi).


Bác sĩ Hải cho biết, điều trị tốt nhất là mổ bắc cầu mạch máu để tạo dòng máu khác xuống nuôi phần chân bên dưới. Cầu nối tốt nhất là tĩnh mạch của chính bệnh nhân. Nếu mổ bắc cầu được bằng cầu nối tĩnh mạch tự thân thì kết quả lâu dài rất tốt, giúp bệnh nhân khỏi bị cắt cụt chân. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi mạch máu của bệnh nhân cho phép và êkíp mổ phải được đào tạo tốt, trang thiết bị đầy đủ.

Bác sĩ Hải còn cho biết, trước đây phương pháp này chỉ được thực hiện tại các trung tâm lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Việc phẫu thuật thành công trong trường hợp này đã mở ra triển vọng mới trong điều trị cho các bệnh nhân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy chân lạnh, đau liên tục và lở loét ở kẽ và gót chân khiến bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, không ăn uống được vì cơn đau hành hạ. Do quá đau nên thời gian qua cụ Mãnh đã đi khám nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nhiều lúc chân đau nhức cụ chỉ muốn cắt bỏ chân mình…


Tin, ảnh: Thanh Sang

Phẫu thuật nhân đạo cho trẻ bị hở hàm ếch

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam và Bệnh viện Răng - Hàm Mặt - Trung ương (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức khai mạc chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khe hở hàm ếch, bỏng vùng mặt, các dị tật và u bướu vùng mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN