Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là vùng trũng về giáo dục. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này đang cao thứ nhì cả nước, trong đó sinh viên ra trường không có việc làm chiếm khá lớn. Điều này cho thấy, việc đào tạo đang lệch hướng, dẫn đến tình trạng nhân lực thiếu vẫn thiếu nhưng thừa vẫn thừa…
Còn nhiều bất cập
Nói đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là “vùng trũng về giáo dục” tại thời điểm hiện nay có thể bị xem là khiên cưỡng, khi hầu hết các tỉnh đều có trường đại học, nguồn cử nhân được đào tạo chính quy hàng năm phải chờ việc làm, đang thất nghiệp rất nhiều. Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh hiện có khoảng 300 cử nhân chưa có việc làm, trong đó phần lớn là cử nhân sư phạm, tập trung ở bậc trung học phổ thông. Để giải quyết vấn đề này, từ đầu năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tăng cường tuyển dụng và bố trí các cử nhân thất nghiệp vào làm công tác Đội hoặc phụ trách những phòng chức năng như thư viện, thiết bị của các trường.
Gìơ học thực hành của học viên tại Trung tâm công nghệ phần mềm (Đại học Cần Thơ). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Quy mô đào tạo nguồn nhân lực tăng nhanh, đào tạo đa ngành, đa cấp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng. Năm học 2012 - 2013, quy mô sinh viên hệ chính quy trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Tây Nam Bộ, bậc đại học có 65.909 sinh viên, bậc cao đẳng có 49.702 sinh viên, trung cấp chuyên nghiệp có 22.000 học sinh... Tuyển sinh hệ chính quy của vùng năm 2012, gồm tiến sĩ là 100; thạc sỹ là 1.550; đại học là 24.130; cao đẳng là 23.144; trung cấp chuyên nghệp là 10.160.
Tuy nhiên, việc thành lập hàng loạt trường đại học ở khu vực ĐBSCL với mục đích giải quyết bài toán nhân lực lại dẫn đến một tình trạng bất cập là các trường tìm mọi cách cạnh tranh nhau trong tuyển sinh đào tạo bằng cách hạ điểm chuẩn để tuyển sinh, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Ngay cả nhân lực ngành y tế tại ĐBSCL đang được xem là có tỷ lệ thấp so với các khu vực khác trong cả nước, thì việc quy hoạch đào tạo cũng có nhiều điều đáng lo ngại. Nhiều trường ngoài công lập ở ĐBSCL được đào tạo những ngành nóng như y, dược, nhưng các trường này chấp nhận việc hạ điểm chuẩn để tuyển sinh với mức học phí ngất ngưởng vài trăm triệu đồng/năm, như một kiểu kinh doanh giáo dục, khiến xã hội hết sức lo ngại về chất lượng những bác sỹ tương lai này. Riêng khu vực này hiện nay có 4 trường ngoài công lập được đào tạo nhân lực ngành y, dược, gồm ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô, ĐH Tân Tạo và ĐH Nam Cần Thơ, nhưng điểm đầu vào các ngành bác sỹ đa khoa, dược sĩ chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn từ 1- 2 điểm. Trong khi đó các trường công lập, muốn vào ngành những ngành này, thí sinh phải đạt số điểm ít nhất từ 24 - 27 điểm.
Cần những giải pháp đồng bộ
Đưa ra những giải pháp đồng bộ đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL không chỉ là việc làm thường xuyên mà còn là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực ở khu vực này vẫn là đề tài khiến những nhà làm giáo dục đau đầu. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy ĐBSCL chiếm hơn 22% lao động cả nước, nhưng chỉ khoảng hơn 14% được qua đào tạo. Con số này cho thấy việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và phải tính đến yếu tố hiệu quả, tránh đào tạo tràn lan.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, toàn vùng hiện có 15 trường đại học, 26 trường cao đẳng và 30 trường trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 6 dự án thành lập trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập. Riêng năm 2013 đã thành lập mới hai trường đại học, là trường Đại học Nam Cần Thơ (tư thục) và trường ĐH Kỹ thuật - công nghệ Cần Thơ (công lập). |
Theo PGS.TS Huỳnh Thị Gấm - Trưởng Khoa tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 2, để phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL, trước hết cần nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng của học sinh các cấp phổ thông, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh đào tạo đại học và trên đại học, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý vững mạnh… Quan trọng nhất là cần khắc phục được tình trạng đào tạo lệch so với nhu cầu thực tế xã hội. Vai trò nắm bắt, điều phối cũng như khả năng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực thông qua đào tạo là của ngành giáo dục.
Về những giải pháp cụ thể cho việc đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL, PGS.TS Huỳnh Thị Gấm cho rằng, hiện nay, ĐBSCL không còn là vùng trũng về giáo dục, nếu không muốn nói ở đây có rất nhiều những nhân tố vượt trội, nhiều nhân tài, nhân lực trên rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, giáo dục cho đến văn hóa nghệ thuật… Nhưng thực tế, điều kiện cơ sở hạ tầng ở các địa phương không đáp ứng được điều kiện phát triển của họ. Nhiều trí thức, nhà khoa học cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản thường chọn TP Hồ Chí Minh và các trung tâm để “trụ lại” khiến tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra khá phổ biến tại khu vực này.
Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ thuật, thợ lành nghề. Lực lượng này là lao động cơ bản trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn lẫn đô thị, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho từng địa phương và trong cả vùng.
Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, giữ vững và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao. Những năm gần đây, một số tỉnh có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh làm việc, nhưng cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì thế cần thiết có những chính sách, biện pháp thiết thực, thỏa đáng hơn, hấp dẫn hơn nữa, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, trọng thị, trọng dụng phát huy năng lực của người giỏi, người tài.
Vấn đề quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực phải theo nhu cầu xã hội. Từ thực tế tồn tại tình trạng chưa có sự cân đối trong cung cấp và sử dụng nguồn nhân lực, vừa thừa vừa thiếu, cho nên cần thiết có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Vì thế, việc đào tạo phải bắt kịp với nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế, của xã hội. Cơ sở đào tạo cần quan tâm tìm hiểu, nắm bắt, nhu cầu xã hội để có kế hoạch đào tạo hợp lý. Giữa các cở sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức sử dụng lao động cần có mối quan hệ mật thiết với nhau: cơ sở sử dụng lao động có thể đặt hàng, cơ sở đào tạo có sản phẩm theo đúng yều cầu sử dụng.
Cơ quan quản lý giáo dục đào tạo cũng cần nắm chắc nhu cầu tổng thể của xã hội để phân bổ chỉ tiêu đào tạo hợp lý cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời các cơ sở đào tạo còn phải thường xuyên và nhanh chóng đổi mới chương trình, nội dung, đào tạo thật khoa học, hiện đại, luôn cập nhật những thông tin, tri thức mới nhất, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Trong quá trình đào tạo cần thiết coi trọng việc thực tập, ứng dụng, thực hành. Ngoài ra, cũng có tầm nhìn chiến lược, tạo mối liên kết đa chiều trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cũng như tiếp tục xã hội hóa việc đào tạo nguồn nhân lực.
Lê Hiền