Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết, Hội thảo là diễn đàn để trao đổi và xây dựng những bước đi vững chắc cho giải pháp dựa vào thiên nhiên - một nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững của cảnh quan Trung Trường Sơn trong tương lai. Tổ chức luôn làm việc và hợp tác với các bên liên quan để phát triển các mô hình, giải pháp dựa vào thiên nhiên phù hợp và toàn diện không chỉ cho ngành lâm nghiệp mà còn tiếp tục nghiên cứu tiềm năng ở các khu vực ven biển, đầm phá và vùng đất ngập nước; đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả trên quy mô lớn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu, chia sẻ, thảo luận về chương trình khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên; tiềm năng, chiến lược phát triển với các giải pháp dựa vào thiên nhiên ở Trung Trường Sơn trong thời gian tới. Nhiều đại biểu cho rằng, là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục lớn nhất lục địa châu Á, cảnh quan Trung Trường Sơn có độ đa dạng sinh học phong phú và độc đáo, đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ carbon. Tuy nhiên, cảnh quan này đang mất đa dạng sinh học nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, giải pháp dựa vào thiên nhiên được xem là hướng đi tối ưu và phù hợp nhất. Đáng chú ý, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng; các kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành giải pháp dựa vào thiên nhiên của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên trên toàn cầu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, các dải rừng nằm ở vùng sinh thái Trung Trường Sơn, đặc biệt là 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam có vai trò hết sức quan trọng về an ninh môi trường cũng như đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, trên bình diện của cả nước hiện nay, diện tích rừng tự nhiên và chất lượng rừng bị giảm sút khiến suy giảm đa dạng sinh học. Tác hại của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây đã hiện diện rất rõ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung Việt Nam. Năm 2020 - 2021 đã xảy ra các trận sạt lở đất ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế gây tổn thất nặng nề về con người và cơ sở hạ tầng. Những năm gần đây, chính quyền của các địa phương, trong đó có Thừa Thiên - Huế rất quan tâm đến hoạch định chiến lược phát triển kinh tế dựa trên lý thuyết căn bản về thuận thiên; đó là con người - thiên nhiên - khí hậu.
Hội thảo là hoạt động thuộc Nền tảng khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên - một sáng kiến mới của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên. Qua đó, xây dựng một hình mẫu về quy mô đầu tư cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên có chất lượng và tính toàn vẹn cao, đem lại những tác động tích cực trên diện rộng lên khí hậu, thiên nhiên và con người tại các cảnh quan rừng nhiệt đới.
Trong giai đoạn đầu triển khai giải pháp dựa vào thiên nhiên, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã xác định 4 tỉnh ưu tiên của Trung Trường Sơn, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Mục tiêu của giải pháp dựa vào thiên nhiên được phát triển dựa trên tiềm năng tại 4 tỉnh, đồng thời phù hợp với định hướng và quy hoạch của các tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hai chương trình đầu tiên được định hướng thực hiện bao gồm: Bảo vệ và phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở các khu vực được ưu tiên và có giá trị đa dạng sinh học bao gồm vườn quốc gia, khu bảo tồn, các rừng phòng hộ và cộng đồng liên quan; cải thiện và nâng cao năng lực quản lý rừng sản xuất và phát triển chứng chỉ rừng bền vững của đối tượng hộ/nhóm gia đình và công ty lâm nghiệp. Tất cả các hoạt động liên quan đến 2 chương trình này đều gắn liền với mục tiêu phát triển sinh kế cho cộng đồng.