Phát huy tiềm năng, kinh nghiệm của người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động

Đại hội lần thứ VI, Hội Người cao tuổi Việt Nam diễn ra ngày 14/1 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của trên 400 đại biểu, đại diện cho hơn 9,7 triệu hội viên trong cả nước.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về đời sống của người cao tuổi và những nhu cầu lao động của người cao tuổi trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Người cao tuổi xóm 7A, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tích cực tham gia tổ COVID cộng đồng đến từng hộ dân trong thôn để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Xin ông cho biết thực trạng người cao tuổi hiện nay?

Cả nước hiện có hơn 11,47 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó hơn 7,661 triệu người sống ở nông thôn (chiếm 65%). Trong đó, có hơn 1,81 triệu người nhận trợ cấp hằng tháng; hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, nhiều chủ trương chính sách về người cao tuổi đã phát huy hiệu quả, đời sống người cao tuổi cũng được cải thiện. Tuy nhiên, đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận người cao tuổi trong cuộc sống phải dựa vào con, cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa rất cần sự trợ giúp của cộng đồng, xã hội.

Để nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi, mới đây, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp như trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; phát huy vai trò người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông…

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, có 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám, chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.

Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội... Một trong những giải pháp quan trọng của Chương trình hành động trong thời gian tới là trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi, đồng thời hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi.

Về hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thời gian tới, nhà nước sẽ triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Đồng thời, hỗ trợ thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi; mô hình nhà xã hội an toàn cộng đồng cho người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện thí điểm ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đối với khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Ông cho biết rõ hơn về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay như thế nào?

Người cao tuổi hiện vẫn là nguồn lực rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng của đất nước. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hội đã phát động phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, động viên hội viên và người cao tuổi cả nước tích cực tham gia phát triển kinh tế và làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ; giúp hội viên và người cao tuổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế có hiệu quả; nhiều hội viên người cao tuổi mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Hoạt động kinh tế của người cao tuổi đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; đóng góp ngân sách địa phương, tham gia xóa đói, giảm nghèo. Hiện đã có gần 400.000 người cao tuổi được công nhận là lao động giỏi; trên 90.000 người cao tuổi đang tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, trang trại. Bên cạnh đó, có trên 1,1 triệu người cao tuổi đang tham gia vào các hoạt động xã hội ở cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, khu dân cư, tổ dân phố…  

Đặc biệt, thời gian qua, những người cao tuổi là nghệ nhân, nhà văn hóa, nhà trí thức, thầy, cô giáo nghỉ hưu, y bác sĩ đang có những hoạt động rất tích cực, đóng góp cho xã hội. Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, người cao tuổi ở khắp nơi đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người cao tuổi đã xung phong giam gia trực chốt, hỗ trợ lực lượng chức năng vận động người dân nêu cao tinh thần chống dịch.

Trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ có đưa ra giải pháp “phát huy vai trò người cao tuổi” - điều đó chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thấy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi khi tham gia vào thị trường lao động, kinh tế, văn hoá, giáo dục, chính trị… 

Chú thích ảnh
Ông Quàng Văn Hó (sinh năm 1951) là tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại tỉnh Sơn La. Ông thường xuyên cùng hội viên cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Người cao tuổi đang tiếp cận với việc làm và sinh kế thế nào, thưa ông?

Phần lớn người cao tuổi làm tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi nghỉ hưu, thu nhập giảm nhưng vẫn phải lo các khoản chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe… nên họ có vẫn có nhu cầu về việc làm để có thêm thu nhập.

Người dân trong độ tuổi lao động có thể đến các trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng hiện nay người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ đều không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của mình. Muốn có được việc làm phù hợp với bản thân, đa số người cao tuổi phải thông qua mối quan hệ xã hội.

Chính vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động là người cao tuổi sau khi nghỉ hưu là vấn đề quan trọng cần phải đặt ra. Trong thời gian tới, các chính sách của nhà nước cũng cần tính đến vấn đề “khởi nghiệp” cho người lao động là người cao tuổi; phải có một chính sách về sử dụng lao động là người cao tuổi thế nào cho phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của họ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải giới thiệu, đào tạo lại nghề phù hợp cho người cao tuổi…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình/TTXVN (thực hiện)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI

Sáng 14/1/2022, tại Hà Nội, Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự và chúc mừng Đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN