Quang cảnh buổi đối thoại |
Tại buổi đối thoại, đại diện quản lý nhân sự Công ty Nippon cho rằng, việc chi trả chế độ ốm đau thai sản của BHXH rất muộn, nhiều nơi phải 6 tháng sau, người lao động mới được nhận. Điều này gây rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp chậm nộp đóng BHXH thì bị phạt lãi chậm nộp đóng. Do đó nên chăng phải có sự công bằng, BHXH chậm trả chế độ ốm đau thai sản cho người lao động cũng phải bị phạt tương tự?
Trước thắc mắc này của doanh nghiệp, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, nếu BHXH tỉnh thành nào chậm trả chế độ cho người lao động thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Về mặt nguyên tắc, nếu BHXH đã tiếp nhận hồ sơ thì phải có trách nhiệm sớm chi trả chế độ theo khung thời gian quy định.
Do đó, nếu thấy chậm trả chế độ cho người lao động, doanh nghiệp có thể khiến kiện đến Sở Lao động Thương binh Xã hội và khởi kiện tại Tòa án địa phương.
Về phía BHXH Việt Nam, ngành sẽ yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng quy định về thời gian chi trả chế độ đã được quy định, đặc biệt sau này khi ứng dụng công nghệ thông tin, toàn bộ hồ sơ nhận và trả đã được lưu trên máy, đơn vị nào không đáp ứng thời gian đều sẽ bị xử phạt.
“Nên có sự sòng phẳng về vấn đề này, doanh nghiệp chậm đóng BHXH thì bị xử phạt thì BHXH các tỉnh thành chậm trả chế độ cũng bị xử phạt tương ứng”, ông Trần Đình Liệu khẳng định.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cũng cho rằng thủ tục hành chính tại các tỉnh thành không thống nhất. Đại diện Nippon đưa ví dụ, như hoàn thành thủ tục hồ sơ BHXH tại Hà Nội chỉ mất có 7 ngày, trong khi Vĩnh Phúc mất 30 ngày. Chốt sổ cho lao động nghỉ việc, BHXH Hà Nội chỉ cần yêu cầu thủ tục chốt sổ BHXH trong khi Vĩnh Phúc yêu cầu tới 3 thủ tục chốt sổ, quyết định nghỉ việc, danh sách biến động lao động. Vậy những thủ tục này tại sao mỗi tỉnh thành một kiểu mà không thống nhất trong toàn quốc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Liệu khẳng định, BHXH Hà Nội làm được 7 ngày, thì BHXH Vĩnh Phúc cũng phải làm được 7 ngày, không thể có tình trạng mỗi nơi “đẻ” ra một kiểu thủ tục "hành" doanh nghiệp. Từ kiến nghị này, BHXH Việt Nam sẽ rà soát lại những bất cập trong hệ thống để hoàn thiện hơn về việc thực hiện chính sách, không để tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách hành chính nhưng qua buổi đối thoại này nổi cộm 2 vấn đề mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiến nghị là tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản thủ tục khi giải quyết các chế độ cho người lao động và giãn đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN.
Trước vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, hiện nay hai quỹ BHTN và tai nạn lao động có kết dư lớn, do đó Bộ Lao động Thương binh Xã hội, BHXH Việt Nam đã trình Chính phủ giảm tỷ lệ 1% tiền đóng hai quỹ trên, theo đó giảm tỷ lệ đóng BHTN 0,5% và đóng tai nạn lao động 0,5%. Nếu giảm sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp tương đương 4.500 tỷ đồng/năm.
“Trên thực tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phạn hết sức quan trọng, đóng góp cho ngân sách rất lớn, thu hút nhiều lao động trong những năm qua. Qua giám sát thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến BHXH, các doanh nghiệp FDI là những đơn vị thực hiện những chính sách, BHXH, BHYT, BHYT tương đối tốt. Từ những kiến nghị của doanh nghiệp FDI, về mặt chính sách cơ bản đã hướng đến đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, vấn đề nổi cộm là quá trình triển khai mỗi tỉnh thành, đơn vị chưa thống nhất, còn gây phiền hà. Do đó đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục cải cách hành chính, thống nhất triển khai việc áp dụng việc chi trả chế độ cho người lao động kịp thời”, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết.