Phải tăng cường mô hình xe đưa đón

Theo quy định từ ngày 1/9/2007 học sinh các cấp không được sử dụng xe máy có phân khối lớn đến trường, tuy nhiên cho đến nay tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Cấm, nhưng vẫn đi!

Bước vào đầu năm học mới các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều phổ biến nội quy của năm học đặc biệt là quy định cấm tuyệt đối học sinh không được đi xe máy tới trường. Mặc dù nhà trường cấm, nhưng học sinh vẫn có nhiều cách để được đi xe máy tới trường.

Học sinh gửi xe máy ở bên ngoài để tránh bị nhà trường phát hiện.


Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như trường THPT Phạm Ngũ Lão (quận Tân Bình), THPT Gia Định (Bình Thạnh)… học sinh vẫn dùng các loại xe máy có phân khối lớn để đến trường học. Cụ thể, ngay trước cổng trường THPT Gia Định có hai địa điểm giữ xe chủ yếu là giữ xe cho học sinh. Không chỉ giữ xe đạp mà số lượng học sinh đi xe máy gửi tại đây khá nhiều và rất phong phú từ xe tay ga cho đến xe số với phân khối lớn như: Xe Attila, Lead; Was; Sirius, exciter…

Một học sinh của trường THPT Gia Định cho biết: Nhà em ở xa trường học nên em đi học bằng xe máy cho tiện. Nếu đi xe đạp tới trường thì cũng phải mất nửa tiếng, mà lúc đó cũng mệt và mồ hôi ra quần áo rất khó chịu không thể nào học được. Em thường gửi xe ở ngoài cổng cho tiện với giá 2.000 đồng/xe.

Không chỉ gửi xe máy ở ngoài, trong sân trường cũng có khá nhiều xe máy của học sinh đi đến. Như vậy, dù nhà trường đưa ra lệnh cấm, nhưng lại cho phép học sinh gửi xe máy trong sân trường, thì việc học sinh chấp hành đúng quy định là điều khó thực hiện.

Chị Xuân Thủy, phụ huynh học sinh của trường Phạm Ngũ Lão cho biết: Nhiều lúc bận công việc không đưa đón con được, tôi phải để con tự đi xe tới trường thôi. Với lại nhiều khi còn đi học thêm nữa nên đi xe máy cho tiện mà đỡ mất thời gian. Trao đổi với phụ huynh này về quy định học sinh chỉ được đi xe 50 phân khối tới trường thì chị nói: “Giờ kiếm đâu ra mấy loại xe cup phân khối 50 nữa, mà có thì xe cũng cũ rồi”.

Tăng cường xe đưa đón

Thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, trường có rất nhiều học sinh ở ngoại thành nên nhà trường đã phối hợp với những hợp tác xã xe buýt để đưa đón học sinh. Tùy vào từng tuyến đường ngắn dài mà có mức giá quy định khác nhau. Việc chi phí đi lại này được sự thống nhất giữa hợp tác xã xe buýt với phụ huynh học sinh.

Thầy Nguyễn Bác Dụng nhấn mạnh: Để học sinh không đi xe máy tới trường và tránh tình trạng kẹt xe trước cổng trường các trường nên tổ chức xe đưa rước học sinh và tăng cường các tuyến xe buýt. Hơn nữa, chúng ta cần phải giáo dục và tuyên truyền cho học sinh ngay từ những năm đầu về ý thức chấp hành luật an toàn giao thông.

Nhằm chấn chỉnh học sinh đi xe máy tới trường ngay từ đầu năm học mới, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi đến các trường trên địa bàn thành phố về việc xử phạt nghiêm đối với những học sinh vi phạm luật an toàn giao thông do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ cung cấp thông qua Sở GD&ĐT.

Cụ thể: Yêu cầu học sinh vi phạm làm bản kiểm điểm và lưu hồ sơ, mời cha mẹ học sinh vào thông báo, nhắc nhở và cam kết với nhà trường không để con em tiếp tục vi phạm; cảnh cáo trước lớp; cảnh cáo dưới cờ; hạ bậc hạnh kiểm trong đánh giá xếp loại của tháng, của học kỳ. Hiệu trưởng của từng trường chủ động tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi trường hợp học sinh khi chưa đến tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe sử dụng xe mô tô, xe gắn máy đi học. Ngoài ra, nhà trường còn đưa Giáo dục trật tự an toàn giao thông trong giờ học chính khóa của bộ môn giáo dục công dân ở tất cả các khối lớp.

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN