Sau hơn 1 năm thực hiện cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng như trường học, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, các khu vực sản xuất và nơi làm việc, trong nhà... kết quả thu được khá khả quan. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, cấm thì cứ cấm, hút vẫn cứ hút. Bên cạnh đó, số lượng người hút bị xử phạt thời gian qua không đáng là bao nhiêu so với tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng.
Cấm tuyệt đối hành vi hút thuốc lá tại các điểm công cộng. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN |
Vẫn tràn lan khói thuốc
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm công cộng như: Bệnh viện, công sở, bến xe, nhà ga... khói thuốc lá vẫn tràn lan, thậm chí nhiều người “vô tư” đứng hút trước biển cấm nhưng không thấy đơn vị chức năng nào nhắc nhở hay bị xử phạt.
Tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), việc hút thuốc lá diễn ra khá phổ biến. Tại khu vực nhà chờ, do có lực lượng bảo vệ nhắc nhở nên số trường hợp hút thuốc có phần hạn chế. Tuy nhiên, trong bãi đậu xe, hành lang bên ngoài nhà chờ, trước cổng bến xe… cả hành khách lẫn rất nhiều tài xế xe ôm vẫn hàng ngày vô tư nhả khói thuốc. Khi được hỏi, nhiều người lấy lý do không biết gì về luật hoặc do thói quen hút thuốc lá từ lâu nên rất khó bỏ để biện minh cho việc hút thuốc của mình. Anh Nguyễn Văn Tấn (quê Nam Định) đang đứng chờ xe cho biết: “Từ nhỏ ở nhà đã quen với khói thuốc lào, lớn lên đi học xa nhà, bạn bè rủ rê nên mới hút thuốc. Hút nhiều thành nghiện từ lúc nào không hay, giờ đã thành thói quen nên muốn bỏ cũng khó lắm”.
Không chỉ tại các bến xe, nhà ga mới có nhiều người vi phạm quy định về cấm hút thuốc lá, mà ngay tại các bệnh viện, công sở… trên địa bàn TP.HCM tình trạng này cũng diễn ra thường xuyên. Tại khu vực xếp hàng chờ đóng tiền viện phí của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người nhà bệnh nhân “vô tư” nhả khói thuốc ra xung quanh. Những khu vực khác như phòng bệnh nhân, hành lang bệnh viện, sân…, hình ảnh này cũng rất phổ biến.
Bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai rất nhiều biện pháp tuyên truyền, tập huấn về việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng kết quả thu được vẫn hạn chế do vướng phải nhiều khó khăn. Chẳng hạn, khi bảo vệ của bệnh viện phát hiện người hút thuốc trong khu vực cấm đã lập tức nhắc nhở, nhưng nhắc chỗ này thì người ta lại ra chỗ khác hút, không thể kiểm soát hết được. Do đó, vấn đề hiện nay là phải xây dựng được một quy chế xử phạt và phải xử phạt nghiêm khắc, còn nếu theo quy định hiện nay chỉ nhắc nhở, sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nguy cơ cao
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có 5,4 triệu người chết do hút thuốc lá. Đến năm 2020, trên thế giới sẽ có 10 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, trong đó 70% là từ các nước đang phát triển. Việt Nam là nước đang phát triển có mức rủi ro bệnh tật và tử vong do thuốc lá cao. Mỗi năm ở nước ta, thuốc lá giết 40.000 người, trong đó có khoảng 15.000 người mắc bệnh ung thư phổi mới do hút thuốc lá và có 14.000 người tử vong. Con số này gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả không được áp dụng kịp thời thì con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Chẳng hạn như axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết),… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư da, ung thư khoang miệng, các bệnh tim mạch… Trong đó, ung thư phổi có tỉ lệ tử vong cao nhất.
Còn theo Ths Phan Thị Hải – Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế, gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh khác ở nước ta. Chỉ tính riêng 3 căn bệnh do khói thuốc (phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim) thì chi phí y tế đã “ngốn” hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, phải quyết liệt thực hiện theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) là xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng; tuy nhiên, cần phải nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Theo BS Trương Trọng Hoàng - Chủ nhiệm chương trình phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP.HCM thì: “Hiện nay, do lực lượng thanh tra viên của chúng ta còn mỏng, mức xử phạt lại nhẹ (lần đầu cảnh cáo, lần thứ hai chỉ phạt 50.000 đồng), do đó tính răn đe chưa cao. Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá đã có kiến nghị xin nâng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Hiện mức xử phạt hành chính của ta tối đa chỉ là 100.000 đồng, nhưng theo tôi nên phạt 200.000 đồng ngay từ lần đầu tiên vi phạm. Ngoài ra, cũng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe chính bản thân họ và những người xung quanh”.