Chất vấn và trả lời chất vấn HĐND Hà Nội:

Nóng vấn đề phòng cháy chữa cháy

Ngày 7/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội dành cả một ngày để chất vấn các thành viên UBND thành phố về các vấn đề cử tri quan tâm.


Tại phiên chất vấn sáng ngày 7/12, vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) được nhiều đại biểu HĐND quan tâm đặt câu hỏi tái chất vấn, đặc biệt, sau sự cố cháy quán karaoke tại 68 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy tháng 11 vừa qua. Các đại biểu HĐND cho rằng tình hình kiểm tra chưa tốt; biển quảng cáo lớn cũng là một trong các nguyên nhân gây khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu người; trên địa bàn còn còn 232 chung cư cao tầng vi phạm PCCC…


Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương cho rằng, liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke, hiện nay, toàn thành phố có 1317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó đã được cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự 1.234 cơ sở. Năm 2016, cơ quan chức năng đã thu hồi 50 giấy phép kinh doanh có điều kiện, phạt 367 triệu đồng. Đối với quán karaoke 68 Trần Thái Tông đang trong quá trình xin cấp phép chứ chưa nhận được hồ sơ xin cấp. Cơ quan chức năng đã kiểm tra và nhắc nhở không được hoạt động nhưng quán karaoke vẫn lén lút hoạt động. Công an Hà Nội đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân. Công an quận Cầu Giấy đã ba lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động. Năm 2016 phát hiện hơn 1.000 cơ sở có vi phạm và thu hồi 31 giấy phép.


Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Tô Văn Động, Sở đã kiểm điểm trách nhiệm Đảng ủy và Giám đốc sở. Giám đốc Sở đã kiểm điểm hai cơ quan là phòng văn hóa và thanh tra sở, đặc biệt kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân phụ trách địa bàn. Hoạt động karaoke là một hoạt động nhạy cảm và luôn bị các cơ sở kinh doanh lách luật, gây khó khăn. Mỗi lần thanh tra thì nhiều cơ sở lại biết trước được thông tin nên thanh tra thì sạch sẽ nhưng sau đó lại vi phạm. Mức xử phạt hiện nay còn thấp nên nhiều chủ cơ sở kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục được kinh doanh.


Sở VHTT và các quận huyện đã dỡ được 198 biển, và 100% hộp đèn quảng cáo vi phạm trên toàn thành phố, xử lý 43 biển quảng cáo mặt tiền và bê tông. Riêng về vấn đề biển hiệu karaoke, biển của karaoke là biển hiệu chứ không phải biển quảng cáo. Sở VHTT đã hướng dẫn nghiêm túc, đã là biển hiệu thì chiều ngang bằng mặt tiền của nhà, chiều cao là 2m, còn biển dọc thì rộng 1m và cao 2m. Thành phố Hà Nội đã làm thí điểm tại một số quận huyện và một số tuyến đường nhưng vấn đề này liên quan đến rất nhiều hộ dân nên phải làm có lộ trình.


Giải trình về vấn đề PCCC, Giám đốc CS PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định cho rằng:Sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Sở đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, kiểm trách đối với trưởng phòng cảnh sát PCCC số 3 và đội phó phụ trách kiểm tra hướng dẫn, cán bộ phụ trách địa bàn cơ sở. Liên quan đến vấn đề PCCC về nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ cũng như vấn đề về xử lý sau kết luận của kỳ họp thứ hai HĐND thành phố,  Sở PCCC đang tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện, xử lý vi phạm về PCCC, kiến nghị, báo cáo kịp thời với chủ đầu tư và cơ quan chủ quản có trách nhiệm.


Năm 2016, Sở PCCC đã tăng cường công tác kiểm tra với 3.744 lượt đối với 15.035 cơ sở quản lý, xử phạt 3.900 trường hợp, với số tiền hơn 8 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng. Theo Sở PCCC, lực lượng có tiến bộ nhưng chất lượng còn hạn chế, phương châm xây dựng lực lượng trong năm tới luôn đặt ra là xây dựng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, chứ chưa dám vươn đến tiêu chí tinh nhuệ.


Tái chất vấn PCCC, đại biểu Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế (HĐND) cho rằng, đối với loại hình karaoke, nếu không cấp giấy chứng nhận thì không thể hoạt động được. Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay không đủ điều kiện. Nếu chỉ thu 50 giấy phép trên tổng số hơn 1.000 cơ sở vi phạm là ít và cần làm quyết liệt hơn để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.


Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thành phố quan tâm rất nhiều đến công tác PCCC, nhất là sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Về PCCC tại các công trình chung cư, nhà cao tầng, hiện nay toàn phố có 1.075 công trình, khoảng 12% các công trình vi phạm về PCCC. Thành phố đã yêu cầu các cơ quan liên ngành vào kiểm tra, kiểm sát và chủ đầu tư đã có cam kết, lộ trình và thời gian thực hiện.


Tới đây, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các phòng ban liên quan có biện pháp cương quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tồn tại và khắc phục vi phạm, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về PCCC, nhất là kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi cháy xảy ra Đôn đốc, kiểm tra các cam kết của chủ đầu tư, trong quá trình cũng có những chủ đầu tư chây ì. Thành phố sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý. Tới đây, ngay cả người dân trước khi vào ở chung cư cũng sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC.


Tại các nhà tái định cư còn thiếu những trang thiết bị bảo dưỡng, thay thế, thành phố cũng sẽ phải bỏ ngân sách để đảm bảo. Còn những công trình khác do chủ đầu tư làm không phải nguồn ngân sách thì chủ đầu tư cam kết với các đoàn kiểm tra liên ngành và phải thực hiện nghiêm. Công tác PCCC hết sức quan trọng, quan điểm của thành phố Hà Nội là phòng là chính.


XC
Chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao
Chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thu hút sự theo dõi của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri tại các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN