Sự cố bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy làm một CĐV nữ bị thương nặng
Tối 11/9, CLB Nam Định đến làm khách trên SVĐ Hàng Đẫy của đội chủ nhà Hà Nội FC. Sau 56 phút thi đấu, đội bóng "thành Nam" để cho ĐKVĐ V.League dẫn trước với tỷ số 1-4.
Ngay sau đó, CĐV Nam Định bắn một quả pháo sáng từ khán đài B sang A và trúng nữ CĐV khiến cô bị bỏng nặng rách tới xương ở chân và chảy nhiều máu. Các bác sĩ lập tức có mặt, sơ cứu, băng bó và cùng lực lượng an ninh hỗ trợ đưa nữ CĐV đi bệnh viện cấp cứu.
Sự việc CĐV Nam Định bắn pháo sáng khiến trận đấu trên SVĐ Hàng Đẫy phải tạm dừng hơn chục phút. Hành động của nhóm CĐV Nam Định chưa dừng lại khi tiếp tục bắn thêm nhiều quả pháo sáng sáng xuống sân và khiến các cầu thủ phải xin cổ động viên kiềm chế để trận đấu được tiếp diễn. Khu vực khán đài CĐV Nam Định ngồi cực hỗn loạn với khói lửa bao trùm.
Trong quá trình Cảnh sát cơ động tiếp cận tìm người đốt pháo, có chiến sĩ thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội đã bị thương, gãy tay và 1 chiến sĩ khác bị nôn mửa, choáng váng phải vào bệnh viện cấp cứu.
Ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng" và "Chống người thi hành công vụ" để điều tra hành vi bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy.
Lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết đã chỉ đạo Đội cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường, tiến hành rà soát, thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức lấy lời khai của các nhân chứng, nhân viên bảo vệ, bị hại, những người liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.
Công an cũng triệu tập 14 cổ động viên người Nam Định để lấy lời khai, sau khi xác định được người đốt pháo sáng, sẽ căn cứ vào hành vi, hậu quả để có các biện pháp tố tụng theo quy định.
VFF đánh giá đây là sự cố nghiêm trọng liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn của trận đấu. Ban Kỷ luật VFF đã quyết định phạt BTC sân Hàng Đẫy phải tổ chức 2 trận đấu tiếp theo của CLB Hà Nội ở mùa giải 2019 không có khán giả. Đội bóng Thủ đô đồng thời bị nhận án phạt 85 triệu đồng, gồm 70 triệu đồng do để CĐV đốt pháo sáng và 15 triệu đồng do hành vi của CĐV, chửi quan chức, ném đồ vật xuống sân. Bên cạnh đó đội Nam Định cũng bị phạt 85 triệu đồng. CĐV Nam Định bị cấm đến sân khách cổ vũ đội nhà trong 2 trận đấu kế tiếp tại V.League 2019.
Tiến hành tẩy độc tại Công ty Rạng Đông
Sáng ngày 12/9, Binh chủng Hóa học cùng một số đơn vị phối hợp đã chính thức triển khai lực lượng tiêu tẩy, xử lý môi trường tại khu vực xảy ra vụ cháy ngày 28/8 ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trước đó, ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) đã làm việc với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Urenco 10 (Công ty Urenco 10) và Công ty Rạng Đông để thống nhất phương án xử lý, tẩy độc trong và ngoài khu vực cháy.
Trong ngày 14/9, Binh chủng Hóa học phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì lực lượng 108 cán bộ, chiến sĩ và 15 phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố ô nhiễm tại Công ty Rạng Đông.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong hai ngày 12 - 13/9, lực lượng Quân đội đã thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, do Đại tá Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học chỉ huy. Lực lượng Quân đội đã tổ chức quan trắc trinh sát môi trường toàn bộ khu vực nhà máy và khu vực liên quan, tiến hành thu gom được khoảng 12 tấn phế thải nhiễm thủy ngân trên diện tích khoảng 300 m2.
Ngoài ra, lực lượng thực thi nhiệm vụ đã rải 3,7 tấn hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân ra môi trường bên ngoài trên diện tích 2.500 m2 và phối hợp dọn dẹp hiện trường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ an ninh khu vực.
Những ngày tới, lực lượng Quân đội tiếp tục duy trì quan trắc, cảnh báo môi trường tại hiện trường, tổ chức trinh sát môi trường các khu vực lân cận; triển khai các biện pháp chống sự lan tỏa của hóa chất; tổ chức thu gom, tiêu tẩy các khu vực sau khi Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10) dọn dẹp mặt bằng.
Trong suốt quãng thời gian sau vụ cháy (từ 29/8 đến ngày 12/9), thông tin về mức độ ô nhiễm thủy ngân từ các cơ quan chức năng có sự trái ngược nhau khiến người dân lo ngại về sức khỏe. Theo các chuyên gia, vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông ngày 28/8/2019 là vụ cháy đầu tiên liên quan tới hóa chất thủy ngân gây ô nhiễm môi trường và việc xử lý của các cơ quan chức năng Hà Nội khá lúng túng, bị động gây bức xúc trong dư luận trong cách hành xử, xử lý thông tin.
Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ dãy nhà ngõ 342 Khương Đình, tiếp giáp với khu vực nhà kho bị cháy đã cơ bản di tản. Khu chung cư 54 Hạ Đình, tiếp giáp phía sau nhà kho bị cháy, người dân cũng đã di tản 90% số hộ. Lý do di dời được người dân khu vực này lý giải do cảm nhận khó thở, mùi khét nồng nặc, nước mắt chảy thường xuyên, tức ngực nên vì sức khỏe của trẻ nhỏ mà các gia đình di tản để phòng tránh.
Truy tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín
Ngày 13/9, nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm liên quan đến vụ giao đất ở 15 Thi Sách (TP Hồ Chí Minh) cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79).
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) và đồng phạm thực hiện, xảy ra tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo nội dung cáo trạng, bị can Nguyễn Hữu Tín, người được giao phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường của TP Hồ Chí Minh, nhận thức rõ nhà, đất số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, việc tham mưu sắp xếp, xử lý thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 09 thành phố (Sở Tài chính). Tuy nhiên, khi tiếp nhận đề nghị về việc cho phép Công ty Bắc Nam 79 được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách thì bị can Nguyễn Hữu Tín không báo cáo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; không giao Ban Chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) tham mưu đề xuất mà đã bút phê chỉ đạo: “Giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục”.
Sau đó, các bị can Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út đã tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.
Hậu quả dẫn đến là Nhà nước bị thất thoát hơn 6,7 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 17/9/2018).
Đồng thời, hành vi vi phạm của các bị can tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng, bán và cho thuê cho 114 khách hàng trong và ngoài nước, thu hơn 1.033 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị can còn gây thiệt hại cho những người thứ ba trong giao dịch, mua bán hợp pháp tại số 15 Thi Sách.
Đến nay, việc xử lý hậu quả nêu trên là rất khó khăn, phức tạp và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước về tiền bạc, thời gian và công sức.