Vụ cháy nhà xưởng công ty Rạng Đông: Vấn đề bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào?

Vụ cháy kho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định liên quan đến hóa chất thủy ngân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là khu vực bán kính 500m tính từ tường rào khu vực cháy. Vậy các vấn đề về bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định như thế nào?

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký khám bệnh sau vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông. Ảnh:XM

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/9, trước hết phải xác định nguồn thủy ngân phát tác ra môi trường, từ các bóng đèn huỳnh quang, đèn compact bị cháy. Số thủy ngân phát tán chỉ nằm trong số những bóng đèn đã sản xuất bị cháy, vào khoảng 15,1-27,2kg.

Về kết quả đánh giá chất lượng môi trường không khí, đất, nước, tro xỉ sau vụ cháy từ việc lấy mẫu của các cơ quan từ 30/8-1/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin: Về nồng độ thủy ngân, có 1/12 mẫu nước mặt, được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế. Các mẫu này được thu thập trên sông Tô Lịch (chú trọng nhiều ở ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông). Có 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt Nam. Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.

Ông Võ Tuấn Nhân cũng cho biết: So với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn về thủy ngân lên tới 6 mẫu.

Ngày 8/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp tục công bố 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn so với amalgam.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh, từ tất cả thông tin do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chính thức và căn cứ theo Điều 187 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc trong nước sông Tô Lịch có nồng độ thủy ngân vượt tiêu chuẩn thì đây là việc đã xâm phạm vào lợi ích công cộng, lợi ích chung của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Dãy nhà ngõ 342 Khương Đình, đối diện kho Rạng Đông bị cháy đóng cửa im lìm, chủ nhân đã sơ tán. Ảnh: XM

Căn cứ theo nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong đó tại Điểm 7 quy định về quản lý tài nguyên nước thì có thể thấy quyền khởi kiện ở đây thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đây thuộc lĩnh vực mà Bộ phụ trách.

Quyền lợi đươc đền bù phải xét xem vào điều kiện thực tế dựa trên căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả. Sau đó áp dụng theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, tại Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định như sau: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức có hành vi làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại, ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật chuyên ngành thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, kể cả chủ thể đó không có lỗi.

Do đó, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Nếu cá nhân gây ô nhiễm môi trường do thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông gây thiệt hại lợi ích công cộng nên theo Điều 187 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích nhà nước tại khoản 4 như sau: “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, nếu việc bồi thường có xảy ra thì người dân sẽ làm đơn lên chính quyền. Chính quyền sẽ cùng nhà máy đứng ra hỗ trợ giải quyết cho người dân bị thiệt hại, cũng chi phí cho việc khắc phục thảm họa môi trường.

Còn việc bưng bít, cung cấp thông tin không chính xác về sử dụng thủy ngân lỏng trong bóng đèn huỳnh quang, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng: "Việc bưng bít đó nhằm để trốn tránh trách nhiệm đối với "thảm họa môi trường" , nhằm mục đích hạn chế sự thiệt hại "nếu có" ở đây là bồi thường cho người dân, cho lợi ích công cộng bị xâm hại. Việc bưng bít thông tin, chậm trễ thông tin có thể hiểu là sự thiếu minh bạch, là phương thức thủ đoạn che dấu, trốn tránh trách nhiệm pháp lý nếu có".

Người dân có quyền đề nghị cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ chức năng. Bên cạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các cơ quan/tổ chức khác cũng có quyền đại diện cho dân để yêu cầu nhà máy có bồi thường cho dân. Cơ quan tổ chức có thẩm quyền cũng có quyền đề nghị Tòa án áp dụng Điều 134 kiến nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này kiến nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do kiến nghị; biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng; tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ; tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tóm tắt nội dung tranh chấp, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chứng cứ để chứng minh cho việc kiến nghị của mình là có căn cứ và hợp pháp.”

Nguyễn Quang Sơn, cư dân Khu chung cư 54 Hạ Đình (ngay sát sau Công ty Rạng Đông) cho biết: Hiện nay 90% cư dân ở đây đã đi sơ tán để đảm bảo an toàn sức khỏe. Chi phí thuê nhà, chuyển chỗ học cho con rất lớn. Người dân khu vực sẽ thu thập thông số về sức khỏe, môi trường và yêu cầu đối thoại với Công ty Rạng Đông. Nếu công ty không minh bạch thông tin thì cư dân sẽ khởi kiện Công ty Rạng Đông.
XC/Báo Tin tức
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Binh chủng Hóa học xét nghiệm 25 mẫu vật chất trước khi tẩy độc hiện trường
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Binh chủng Hóa học xét nghiệm 25 mẫu vật chất trước khi tẩy độc hiện trường

Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết, 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... lấy từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã được cán bộ của Viện lấy mẫu về phân tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN