Lời khai muộn mằn khó bào chữa tội
Được nói lời tự bào chữa, bị cáo Phan Văn Vĩnh liên tục nhận lỗi và thừa nhận vài trò “thủ lĩnh” vì đã tự đưa cả “đàn ong vào tay áo” trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh thừa nhận: “Ngay sau khi tiếp cận hồ sơ của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, tôi đã nhận ra lỗ hổng bắt đầu từ quyết định cho phép CNC triển khai mô hình cổng trò chơi trên mạng, từ đó đã để cho Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương tiếp tục thực hiện sai. Về hành vi phạm tội gây hậu quả, tôi thừa nhận có cả những hậu quả phi vật chất, cần rất lâu nữa mới có thể hàn gắn được. Tôi đã tự đưa cả đàn ong vào trong tay áo mình. Đó là một lỗi lầm rất lớn. Bị cáo xin lỗi các bị can và gia đình họ, xin lỗi các bạn bè, cộng sự, xin nhân dân tha thứ cho mình vì những lỗi lầm. Tôi có tội, tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân”. Bị cáo Phan Văn Vĩnh bị đề nghị án phạt 7 năm 6 tháng tù.
Là người tiếp theo bị thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Dương bị đại diện VKS đề xuất mức án tổng hợp các tội danh từ 11 - 13 năm. Bị cáo “hối hận”: “Đây là mức án nghiêm khắc, là bài học đau xót cho hành vi phạm tội, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an, danh dự gia đình. Là người đứng đầu công ty CNC, bị cáo nhận tất cả trách nhiệm, xin chịu thay đối với các bị cáo của CNC, kính mong HĐXX không thực hiện hình phạt tù với những bị cáo của CNC để họ được trở về với gia đình, tiếp tục làm việc. Bố mẹ bị cáo đã mất. Bị cáo mong được sớm trở về cùng vợ nuôi 3 con nhỏ. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến nhà nước, nhân dân, ngành Công an, gia đình, đồng nghiệp”.
Bị cáo Phan Sào Nam không tự bào chữa nhiều về bản án, xin được gửi lời xin lỗi tới gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là toàn thể xã hội, những cá nhân tổ chức bị liên lụy trong vụ án này; đồng thời xin hứa sẽ cải tạo tốt, trở thành người tốt hơn cho xã hội sau khi thụ án. Bị cáo Phan Sào Nam bị đề nghị bản án 7 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa xin HĐXX, VKS cho được giảm mức án thấp nhất, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, để sớm thụ án về chịu tang mẹ, nuôi con, vợ đang bị bệnh nan y… Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa qua phiên tòa xin lỗi Đảng, Nhà nước, ngành Công an nuôi bị cáo, nhưng chưa trả ơn được, mong được tha lỗi. Bị cáo cũng mong những đồng đội của bị cáo vì vụ án này bị đình chỉ được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho sớm tiếp tục cống hiến. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị bán án đến 8 năm tù…
Theo dự kiến, sau khi nghỉ nghị án, ngày 30/11 TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tuyên án.
Không thể chấp nhận vụ việc 231 cái tát
Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) mặc dù đã có quyết định ban đầu tạm đình chỉ công tác 15 ngày (từ ngày 26/11) đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (sinh năm 1977), là giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 về vụ việc cô yêu cầu các bạn học sinh cùng lớp tát em H.L.N 231 cái vì nói tục, nhưng dư luận cho rằng không thể chấp nhận được hình phạt này với hình ảnh “Cô giáo như mẹ hiền” và cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn.
Chiều 19/11, khi phát hiện em H.L.N, học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Bình) nói tục, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Sự việc khiến học sinh này sau đó phải nhập viện điều trị. Được biết, lớp 6.2 có 27 học sinh, chiều 19/11 có 3 em vắng nên học sinh N bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.
Chiều 24/11, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy cũng như những người trong cuộc về sự việc. Cô Thủy cho biết, cô tiếp nhận làm chủ nhiệm của lớp 6.2 vào đầu năm học 2018 - 2019. Đây là lớp học không có thành tích tốt về cả học tập lẫn thi đua, thường đứng cuối bảng thi đua của trường. Theo quy định của nhà trường, học sinh nói tục sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để khắc phục tình trạng này, cô giáo Thủy đã đặt ra quy định, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc nhẹ sẽ bị bạn bị phạt tát ngược lại 10 cái.
Dù thừa nhận hậu quả sự việc này do nóng giận và một phần vì áp lực thi đua, nhưng cách giáo viên tự đặt ra quy định như trên đúng là không thể chấp nhận và cần phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Nhất là trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo, trong đó có quan điểm sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.
Hàng Việt “Xe VinFast” có chinh phục được người Việt
Ngày 20/11, VinFast cho ra mắt 3 mẫu xe ô tô Lux SA2.0, Lux A2.0 và chiếc đô thị hạng A Fadil gây xôn xao dư luận, nhất là giá bán của các mẫu xe sẽ là 1,136 tỷ đồng cho Fast Lux SA2.0, 800 triệu cho Lux A2.0 và 336 triệu đồng cho VinFast Fadil. Mức giá chưa bao gồm thuế VAT.
Để có thể lăn bánh một mẫu xe VinFast, người dùng cần bỏ thêm lệ phí trước bạ (12% tại Hà Nội và 10% tại TP.HCM, tính trên giá công bố của xe), phí biển số (20 triệu tại Hà Nội và 11 triệu tại TP.HCM), ngoài ra còn khoản tiền khoảng hơn 2 triệu đồng cho phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ cho 1 năm và bảo hiểm trách nhiệm nhân sự…
Sau màn công bố giá của VinFast, nhiều ý kiến xuất hiện. Có ý kiến ủng hộ, cũng có ý kiến cho rằng mức giá công bố chưa thực sự hấp dẫn, nếu cạnh tranh với các đối thủ tương đương trên thị trường và điều này sẽ khiến người dùng phải cân nhắc giữa việc ủng hộ sản phẩm Việt hay lựa chọn an toàn với những thương hiệu tên tuổi.