Kiều Huy Dương (sinh viên lớp báo ảnh k34 - Học viện Báo Chí và Tuyên truyền) là một thành viên của Câu lạc bộ báo chí điều tra. Trước đây bạn rất tích cực tham gia các chuyến đi để viết bài cộng tác gửi các báo. Tuy nhiên có khá nhiều bài viết không được đăng vì bản thân bạn chưa có kinh nghiệm trong khai thác tư liệu, thông tin. Sau khi tham gia câu lạc bộ báo chí điều tra, “trong chuyến đi đầu tiên sang Lệ Mật viết bài về nghề nuôi rắn, Dương cùng các bạn gặp cảnh: Người nuôi rắn khi biết Dương định viết báo đã giấu rắn đi vì sợ liên quan đến động vật hoang dã. Vậy là mất công sức hai ngày tìm hiểu nhưng đành phải về mà không thu được gì. “Không nản lòng, tôi hỏi thêm thầy cô và các bạn trong câu lạc bộ về các cách thức giao tiếp gây thiện cảm, phỏng vấn, chụp ảnh… Lần sau, đóng vai một người mua rắn, tôi và các bạn đã tiếp xúc được với một người nuôi rắn, được niềm nở cho xem nhiều rắn quý và có bài viết được đăng” - Kiều Huy Dương, Báo ảnh K34 chia sẻ.
Thành viên Câu lạc bộ báo chí điều tra trong chuyến tác nghiệp trên đảo Cô Tô. |
Dương và nhiều bạn sinh viên khác là những thành viên tích cực tham gia Câu lạc bộ báo chí điều tra. Từ chỗ chưa có kinh nghiệm thực tế, được sự hướng dẫn của thầy cô trong câu lạc bộ và các vị khách mời có kinh nghiệm làm báo, cộng với nỗ lực của cá nhân, các bạn dần dần nâng cao được kỹ năng làm báo của mình.
Năm 2013, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền gửi đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” để tham dự chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức và đạt giải nhất. Khoa Báo chí đã quyết định thành lập Câu lạc bộ báo chí điều tra theo đề án dự thi này.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí nhấn mạnh: “Câu lạc bộ Báo chí Điều tra không chỉ là sân chơi rèn luyện nghề cho các sinh viên, học viên và giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà còn là nơi rèn nghề cho tất cả sinh viên báo chí của Hà Nội”.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Báo chí, Chủ nhiệm Đề án cho biết: “Trong các môn chuyên ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử thì thể loại điều tra luôn chiếm một vị trí quan trọng với phần lý thuyết và phần thực hành chiếm tỷ lệ về thời gian là 40/60. Câu lạc bộ báo chí điều tra giúp sinh viên báo chí tăng thêm kinh nghiệm thực tế. Mục tiêu của câu lạc bộ là đào tạo kỹ năng nghề, tạo điều kiện cọ xát thực tế cho sinh viên, nhằm xây dựng được một đội ngũ nhà báo viết điều tra trong tương lai có đủ kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như kinh nghiệp tác nghiệp. Sau đó mới hướng tới những vấn đề như xa hơn là tập trung vào mảng điều tra phòng chống tham nhũng hay mục tiêu cuối cùng đào tạo nhà báo điều tra về tham nhũng giỏi”.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, câu lạc bộ chú trọng tới những buổi tập huấn cho thành viên mới, có sự tham gia của thành viên cũ nhằm bổ sung kỹ năng qua trao đổi cũng như hướng dẫn thành viên mới hay những chuyến đi thực tế để nâng cao kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết. Vào mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần, câu lạc bộ mời các nhà báo, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí đến chia sẻ kiến thức cho sinh viên như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, hay nhà báo Đức Hiển.
Lê Hồng Hạnh, sinh viên năm 2 HVBCTT, thành viên CLB Báo chí Điều tra cho biết: “Em tham gia CLB vì muốn tìm một môi trường để học nghề, rèn nghề sớm hơn, thay vì phải chờ tới khi học xong hết các môn chuyên ngành, đi kiến tập, thực tập vào năm 3 năm 4. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với nghề báo”.
Bạn Nguyễn Thị Thùy Dung, Báo mạng điện tử K35 cho biết: “Lần được đi tác nghiệp duy nhất của chúng em là đi lấy tin làm bài tập ở trấn BuBu của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Đây là một lĩnh vực khá nhạy cảm và khó với sinh viên mới vào nghề như chúng em. Riêng em lúc đầu đến ngày hội đó thì em rất ngại và sợ hãi, sợ hãi về những điều trước giờ em chưa từng nghĩ đến và khá run khi tiếp cận đối tượng. Nhưng điều em không ngờ nhất là chính đối tượng phỏng vấn lại hòa đồng và thân thiện với em đến vậy. Bài học em nhận ra là một phóng viên/ nhà báo phải lăn lộn với nghề phải mở lòng mình ra bao dung đồng cảm với từng hoàn cảnh số phận. Em cũng đã hoàn thành được bài tập được giao nhưng đó không phải là tất cả vì thứ em nhận được còn lớn hơn, đó là nhận được những tin nhắn cảm ơn của nhân vật về cuộc phỏng vấn khi đã lắng nghe và trải lòng với họ, giây phút đó em cảm nhận được những giá trị nhân văn cao quý của con đường em đang theo đuổi.
Nếu như với năm đầu hoạt động câu lạc bộ báo chí điều tra chỉ có 35 thành viên thì đến nay sau hơn 2 năm hoạt động, số lượng thành viên đã vào khoảng 90 người. Trăn trở về tương lai của câu lạc bộ. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Đề án tâm sự: “Số tiền được được Ngân hàng thế giới tài trợ ban đầu cho giải nhất đã sử dụng hết vì vậy kinh phí hoạt động của câu lạc bộ trông chờ những dự án khác được các thầy cô mang về hay một số chuyến tác nghiệp dài ngày sinh viên phải xin gia đình. Vấn đề kinh phí của câu lạc bộ khá khó khăn. Thêm vào đó, để thực hiện được các bài điều tra (mảng khó nhất của báo chí) là “quá sức” với nhiều bạn sinh viên. Vì vậy mong muốn của tất cả các sinh viên thành viên của câu lạc bộ, là sẽ có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về chuyên môn từ các cơ quan báo chí, để các “nhà báo tương lai” có thêm cơ hội cọ sát, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp, chuẩn bị cho quá trình công tác sau này”.