Suốt hơn 3 tuần qua, các lực lượng Công an, Biên phòng và các đơn vị quân đội, dân quân các xã đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích. Hằng ngày, các lực lượng này vẫn dầm mưa, đội nắng, đu dây qua sông, bới tìm dưới lớp bùn đất, cây rừng để tìm thi thể các nạn nhân. Còn ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, bất chấp mưa lũ, lực lượng Công an huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Công an các xã dùng ca nô rà soát trên hồ nước mênh mông với hy vọng tìm thêm được một ai đó. Do lượng cây gỗ và rác trên mặt hồ quá nhiều nên công tác tìm kiếm rất khó khăn.
Trận lũ kinh hoàng vào cuối tháng 10 vừa qua khiến nước trên sông Leng dâng cao cũng đã nhấn chìm trụ sở Ủy ban nhân dân xã Trà Leng. Toàn bộ hệ thống máy tính hư hỏng, dữ liệu lưu trữ không thể phục hồi. Hầu hết giấy tờ, văn bản, tài liệu, hồ sơ lưu trữ qua văn thư bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn một ít nằm vương vãi trong bùn đất. Sau trận lũ dữ, toàn bộ cán bộ, công chức xã tập trung tìm kiếm người mất tích, động viên gia đình mất người thân, lo làm nhà tạm cho người bị sạt lở đất, sơ tán bà con khi mưa trở lại… Các công việc đều được chỉ đạo trực tiếp, không cần văn bản. Trụ sở làm việc của xã giờ là nơi đóng quân của lực lượng cứu hộ.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cho biết: Đã hơn 3 tuần qua, chính quyền xã phải làm việc ngoài trời, điều hành công việc không phải bằng văn bản hành chính mà bằng miệng. Máy móc hư hỏng, trụ sở làm việc hư hại. Mấy ngày qua, cán bộ các xã lân cận đã về giúp xã Trà Leng dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Phải mất cả tháng nữa mọi hoạt động của chính quyền xã mới có thể khôi phục hoàn toàn.
Với sự nỗ lực cố gắng của ngành giao thông và sự giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp ngày đêm làm việc hết công suất, đường lên các huyện miền núi Quảng Nam hiện đã cơ bản thông tuyến, đưa lương thực, thực phẩm đến với bà con bị cô lập do mưa lũ. Tuy nhiên, trở ngại lớn là thời tiết không thuận lợi, lượng mưa quá dài ngày, những vách núi dựng đứng có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam cho biết: Ngay sau khi tuyến đường lên các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim, huyện Phước Sơn và tuyến đường 40B đi Nam Trà My bị sạt lở, ngành đã kịp thời bố trí lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị triển khai mở đường khắc phục sạt lở để thông tuyến vào các xã vùng cao đang bị cô lập. Nhờ vậy, đến nay đã cơ bản thông tuyến người dân có thể đi lại được.
Theo chính quyền huyện Phước Sơn, những ngày qua, các lực lượng dân quân và người dân vẫn tiếp tục gùi cõng hàng hóa vào 2 xã Phước Thành và Phước Lộc. Lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho hơn 3.000 hộ dân ở 2 xã bị cô lập khoảng hơn 1 tuần nữa. Hiện thời tiết vẫn còn mưa rải rác nên gây khó khăn trong công tác khắc phục các điểm sạt lở.
Như TTXVN đã đưa tin, sau cơn bão số 9, các xã miền núi của huyện Phước Sơn và Nam Trà My liên tiếp bị sạt lở núi, vùi lấp hàng chục nhà dân, khiến cho hàng chục người chết và mất tích. Đến thời điểm hiện tại, 17 nạn nhân trong các vụ sạt lở nêu trên vẫn chưa được tìm thấy.