Do vậy, việc xây dựng thực hiện pháp luật về quản lý chất thải nhựa trong thời gian tới ở Việt Nam là đặc biệt cần thiết. Qua đó đạt được mục tiêu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giữ gìn, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến không rác thải nhựa đại dương, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Một trong những nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần. Do vậy, các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa hiện nay đang được sử dụng rộng rãi là thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học hoặc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy hoặc túi vải bông.
Các kết quả của một nghiên cứu do Cục Môi trường của Vương quốc Anh thực hiện cho thấy: Túi giấy phải sử dụng lại ít nhất là 3 lần mới đảm bảo có tác động môi trường (sử dụng nước, năng lượng và phát thải khí nhà kính) bằng hoặc ít hơn túi nhựa. Con số này đối với túi vải bông là 131 lần.
Có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần không thể được thay thế bằng các sản phẩm khác mà giảm thiểu được tác động môi trường, đồng thời không phải tất cả các loại rác thải nhựa đều có thể được tái chế. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã xác định có tới hơn 50 loại rác thải nhựa rất khó để phân loại, để chọn ra những loại rác thải nhựa có thể tái chế một cách tự động hay bán tự động.
Ngoài ra, rất nhiều loại sản phẩm nhựa là tổng hợp của một số loại nhựa, làm cho việc tái chế còn khó khăn hơn. Ngay cả loại rác thải nhựa có thể tái chế, việc tái chế nó sẽ yêu cầu phải làm sạch. Trong nhiều trường hợp, việc rửa các sản phẩm nhựa bị bẩn để phục vụ tái chế có thể tiêu tốn rất nhiều nước sạch và làm tăng lượng nước thải ra môi trường.
Cũng cần rất thận trọng khi tái sử dụng sản phẩm nhựa. Chỉ một số sản phẩm nhựa có thể được tái sử dụng một số lần nhất định. Đối với một số sản phẩm nhựa khác, hoặc các sản phẩm bị tái sử dụng quá nhiều lần, việc tái sử dụng chúng có thể gây hại tới sức khỏe con người, do nhựa bị lão hóa, làm các chất phụ gia độc hại thoát ra môi trường.
Với các lý do nêu trên, hướng đi đúng trong việc giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa là xây dựng các giải pháp để người dân có thể từ chối sử dụng sản phẩm đồ nhựa dùng một lần hoặc giảm thiểu sử dụng, tăng cường tái sử dụng, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo Giáo sư Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần có thể được thay thế bằng sản phẩm nhựa dùng nhiều lần. Ngoài ra việc tái chế, tái sử dụng và xử lý, tiêu hủy rác thải nhựa là cực kỳ quan trọng. Các giải pháp để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa cần khả thi, hiệu quả, được xây dựng và tổ chức thực hiện bởi chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức xã hội.
Một trong những cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề rác thải là nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa và những tác hại của nó. Các giải pháp khuyến khích việc hạn chế sản xuất và buôn bán sản phẩm nhựa cần được áp dụng; đưa những nội dung này vào các chương trình giáo dục và tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển, các tác hại của nó và những lựa chọn thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa tại Việt Nam. Cần khuyến khích tái sử dụng các sản phẩm nhựa làm bao bì cho hàng hóa như các hộp đựng kem, đựng thực phẩm có thể được hộ gia đình tái sử dụng một số lần làm hộp đựng thức ăn; giảm lượng màng hoặc túi nilon dùng bọc để giữ thực phẩm trong tủ lạnh…
Cũng cần tăng cường các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa bao gồm đánh giá tốt hơn hiện trạng rác thải nhựa ở biển ở Việt Nam, học tập các kinh nghiệm nước ngoài, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục và vận động để tăng cường sự hiểu biết của công chúng về các tác động xấu của rác thải nhựa, việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa. Các luật và quy định dưới luật hiện nay về quản lý chất thải rắn cần được sửa đổi để bao gồm cả các quy định pháp luật về xử lý đặc biệt đối với chất thải nhựa.
Để thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu rác thải nhựa và tác hại của rác thải nhựa, phải cải tiến hệ thống pháp luật quốc gia để quản lý tốt hơn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý tốt hơn chất thải nhựa; thay đổi thái độ của người dân đổi với việc sử dụng sản phẩm nhựa thông qua giáo dục và truyền thông.
Việt Nam đang là một nước mà yêu cầu phát triển kinh tế vẫn đòi hỏi sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa. Do vậy, cần có những quy định bắt buộc bằng văn bản pháp luật về việc phân loại, thu gom và tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Đối với đô thị, xây dựng và thực thi các mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Đối với nông thôn, xây dựng, phổ biến và đưa vào quy định pháp luật để thực thi mô hình tự xử lý rác thải tại hộ gia đình, trong đó phân loại rác thải nhựa để thu gom, tập trung tái chế hoặc xử lý và chất thải hữu cơ dễ phân hủy cần được chôn lấp hoặc ủ làm phân tại vườn nhà.
Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
Chuyên gia Bùi Đức Hiển, Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết: Quản lý chất thải nhựa là quá trình phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, nhằm nâng cao vòng đời sử dụng tài nguyên và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Pháp luật môi trường hiện hành phân loại chất thải thành hai nhóm cơ bản là chất thải thông thường và chất thải nguy hại, từ đó có quy định về quản lý với từng nhóm chất thải khác nhau.
Đối với chất thải nhựa, có thể được xếp vào nhóm chất thải rắn thông thường có thể tái chế. Để phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không có nhiều quy định trực tiếp về quản lý chất thải nhựa, mà quy định thông qua quản lý chất thải rắn thông thường. Theo đó, quy định rõ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải được quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa; quy định rõ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ phân loại chất thải rắn thông thường, trong đó có chất thải nhựa tại nguồn và có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải nhựa.
Trong Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, có phân loại theo mục đích quản lý và quy định cụ thể hơn về việc quản lý chất thải rắn thông thường, trong đó có chất thải nhựa; nhấn mạnh hơn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn, nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra chất thải.
Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức, thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ. Một trong những trụ cột của nền kinh tế tuần hoàn là tuần hoàn tài nguyên, với cốt lõi của nó là: giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Do vậy, thúc đẩy giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế và thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới, nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả mà nó không chỉ tốt cho môi trường, mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững, giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Trong bối cảnh môi trường biển Việt Nam bị ảnh hưởng do chất thải nhựa gây ra như hiện nay, việc nghiên cứu đưa quan điểm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn vào nghị quyết của Đảng là rất cần thiết và cấp bách.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, thậm chí nghiên cứu xây dựng luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó cần xác định rõ, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện, mà phải có những hỗ trợ cụ thể với việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng và doanh nghiệp trên thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa.