Quán triệt nội dung Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã chỉ đạo, giao các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh khẩn trương thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy định; tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập, gây thiệt hại tài sản, làm mất an ninh, trật tự tại nơi neo đậu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, yêu cầu người dân trên các tàu, thuyền sắp xếp, rời khỏi tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa và lồng bè nuôi trồng thủy sản… về nơi an toàn trước 18 giờ ngày 27/10 cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi có công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển của Chủ tịch UBND tỉnh, Chi cục đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương ven biển đưa 2 tàu làm nhiệm vụ ra cửa biển thông báo khẩn cấp cho các chủ tàu, thuyền vào bờ cập cảng trú tránh; đồng thời cử lực lượng để bố trí, sắp xếp tàu, thuyền neo đậu ổn định. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ngành chức năng gấp rút thông báo cho các chủ nuôi nhanh chóng neo và cột lại lồng bè, đưa tất cả lao động trên lồng bè vào bờ, không để bất cứ một ai ở lại canh giữ, mất an toàn tính mạng khi bão đổ bộ vào.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 2.517 chiếc tàu với hơn 15.000 lao động đi biển. Đến thời điểm này, tất cả tàu, thuyền của tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn; trong đó 468 chiếc với hơn 4.200 lao động đã neo đậu tại các cảng cá của tỉnh bạn, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Tại các cảng cá trong tỉnh, 121 chiếc tàu vãng lai với 297 lao động đã được neo đậu an toàn.
Để chủ động ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương vùng xung yếu, vùng ven biển để có chỉ đạo, ứng phó với bão và mưa lũ được kịp thời, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.