Những cây cầu dân sinh được xây dựng sẽ giúp người dân vùng nông thôn thuận lợi hơn trong giao thông đi lại, giảm nguy cơ tai nạn đuối nước, tạo đà phát triển kinh tế.
Công trường xây dựng cầu dân sinh thôn Cây Vải, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. |
Thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị chia cắt bởi con suối Gà Luộc. Con suối không chỉ gây trở ngại về giao thông mà còn là “rào cản” phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong thôn. Để vượt qua suối Gà Luộc, người dân đã cùng nhau dựng cầu tạm bằng những cây tre ghép vào nhau, cây cầu tạm chỉ đủ chỗ cho người đi bộ, đi xe đạp, còn các phương tiện giao thông khác, người dân phải gửi tại những hộ dân nằm bên kia bờ suối. Chính vì vậy mà nhiều hộ dân trong thôn Gà Luộc gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá bởi đường xá không thuận lợi, thương lái ngại vào mua.
Chị Nguyễn Thị Lành, thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn cho biết, khi chưa xây dựng cầu người dân gặp rất nhiều khó khăn nhất là người già và trẻ con. Người dân trong thôn làm cầu tre đi qua suối, những khi mưa lũ, đi qua cầu rất nguy hiểm vì trơn trượt, trẻ con phải nghỉ học ở nhà. Cầu tạm cũng đã phải làm lại rất nhiều lần vì bị lũ quấn trôi.
Cuối tháng 9/2017, người dân thôn Gà Luộc vô cùng vui mừng khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu dân sinh bằng bê tông vững chãi, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, bán vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép. Cây cầu có chiều dài hơn hơn 20 m, rộng 3,5 m, hai bên đường dẫn lên cầu mỗi bên dài trên 20 m. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2 năm nay. Sau khi hoàn và đưa vào sử dụng, người dân thôn Gà Luộc sẽ không còn nỗi lo tai nạn khi qua suối, trẻ em vẫn có thể tới trường mỗi khi mưa lũ về. Cây cầu cũng sẽ là yếu tố quan trọng giúp người dân thôn Gà Luộc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày ngày càng no ấm.
Chung với niềm vui của người dân thôn Gà Luộc, người dân thôn Cây Vải, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cũng đang rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu bê tông bắc qua suối Cây Vải, tạo giao thông thông suốt kết nối 2 thôn Cây Vải và thôn Tân Thành, xã Thái Hòa với nhau. Cây cầu được thiết kế với chiều dài 36 mét, chiều rộng 4,2 mét dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 6 năm nay.
Ông Nguyễn Tử Đạt, thôn Tân Thành, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, cây cầu được xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách, đảm bảo an toàn cho người dân và tạo đà để phát triển kinh tế. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu mới, người dân trong thôn ai nấy đều vui mừng. Đây chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017- 2018, tỉnh Tuyên Quang được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng 18 cây cầu dân sinh với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, huyện Hàm Yên có 9 cầu, huyện Sơn Dương có 3 cầu, Chiêm Hóa 3 cầu; các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình, mỗi huyện 1 cầu. Các cây cầu được thiết kế theo kiểu bê tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế từ 50 đến 75 năm. Hiện tại, 18 cây cầu đã được khởi công xây dựng và đều đạt từ 20 đến 80% tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay 18 cây cầu đã cơ bản hoàn thành phần móng, đế, trụ cầu và dự kiến hoàn thành 10/18 cầu trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân trong dịp Tết. Để đảm bảo chất lượng công trình, Ban Quản lý thường xuyên cử cán bộ hàng ngày trực tiếp đến các công trình kiểm tra các hạng mục, công việc chính của cầu, đồng thời trao đổi giải quyết những vướng mắc với đơn vị tri công trong quá trình thi công, do đó các công trình đang triển khai cơ bản đáp ứng được yêu cầu chất lượng cũng như tiến độ, đáp ứng được tiêu chí dự án đã đề ra.
Việc xây dựng cầu dân sinh là việc làm hết sức cấp thiết đáp ứng được mong mỏi của nhân dân tại các địa phương. Khi cầu dân sinh được đưa vào sử dụng sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông nông thôn, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi bộ mặt nông thôn mới.