Nằm trong một con hẻm nhỏ bên Bến Bình Đông (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), ngôi chùa Lâm Quang mà Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến trụ trì từ năm 1994 hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 140 cụ già neo đơn và 9 trẻ em mồ côi. Ở đây, từ bữa ăn đến giấc ngủ, khi đau ốm, việc tắm giặt cho các cụ không thể đi lại cho đến việc hậu sự của người nhắm mắt xuôi tay đều được Ni sư Huệ Tuyến chăm lo tận tụy như với những người thân trong gia đình.
Các cụ già đến từ nhiều nơi, người khỏe người yếu, người minh mẫn nhưng cũng có người mang bạo bệnh, có nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung cảnh đơn côi không ai nương tựa, từ nhiều năm nay đã được hưởng những ngày yên ấm cuối đời trong không khí gia đình trong chùa Lâm Quang.
Hàng ngày, Ni sư Huệ Tuyến cùng 20 Ni cô và hơn một chục người làm công quả thường xuyên phải tận lực chuẩn bị thức ăn phù hợp với tuổi già của cả trăm cụ; lo tắm rửa, giặt giũ làm vệ sinh cho các cụ bị bệnh, người cao tuổi; kiểm tra chăm sóc sức khỏe cho hàng chục cụ vốn mãn tính mang bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thấp khớp… Hàng tháng Ni sư Huệ Tuyến phối hợp cùng bệnh viện 115 và bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức khám bệnh định kỳ cho các cụ.
Đã 92 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, cụ Thạch Thị Siêng cho biết, chùa Lâm Quang đã là gia đình của cụ cả chục năm nay. Ni sư Huệ Tuyến đã chăm sóc bà rất chu đáo, ân cần, lo từ bữa ăn, giấc ngủ và săn sóc khi bệnh tật. “Mới đây, sư Tuyến thông báo vì dịch bệnh nên hướng dẫn tôi đeo khẩu trang, không đi ra ngoài, hàng ngày uống nước gừng, nước sả để tăng sức đề kháng. Sống ở đây rất yên tâm, vui vẻ vì mọi cái đều đã có sư lo cho hết”.
Mới về chùa Lâm Quang được hơn một năm, nhưng nay thì Ni cô Diệu Thảo đã quen hết với từng cụ, từ tính cách cho đến đường ăn nét ở hay bệnh tật của mỗi người. Mỗi người một tính, mỗi người một bệnh đòi hỏi một cách chăm sóc, một cách chia sẻ riêng nhưng với với Ni cô thì điều đó không có gì là phức tạp. “Dẫu có chút vất vả trong chăm sóc người già nhưng cũng là chuyện bình thường của người Phật tử dấn thân con đường tu học Phật pháp. Những gì Ni sư Huệ Tuyến đã làm được cho các cụ là một tấm gương để chúng tôi noi theo và cố gắng", Ni cô Diệu Thảo chia sẻ.
Chia sẻ về cơ duyên đưa đến với các cụ già neo đơn, Ni sư Huệ Tuyến cho biết: "Ngay từ nhỏ sư đã ở trong chùa nên thấm những tư tưởng bao dung nhân ái của đức Phật, vì thế luôn mong muốn phát tâm làm điều thiện cho mọi người, nhất là với những người già không nơi nương tựa có cuộc sống khó khăn rất cần sự quan tâm chăm sóc lúc cuối đời". Chính vì vậy, sau khi được giao trụ trì chùa Lâm Quang vào năm 1994, Ni sư Huệ Tuyến đã quyết tâm thực hiện ý nguyện có từ lúc còn trẻ là tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, mang lại cho các cụ những ngày cuối đời yên ấm. Hai mươi năm qua, đã có hàng trăm cụ già đến với Ni sư để nhận sự chăm nuôi lúc cuối đời và cũng đã có hàng trăm cụ được Ni sư lo chu toàn sau khi nhắm mắt, xuôi tay.
“Bây giờ nhờ có sự phát tâm thiện nguyện của các nhà hảo tâm nên cơ bản không còn khó khăn như hồi mới bắt đầu tiếp nhận các cụ. Lúc đó các Ni sư vừa phải sửa sang lại chùa, vừa làm đủ thứ việc từ dệt chiếu, làm hương, bán đồ chay… để có tiền trang trải chăm sóc cho các cụ. Phần lớn các cụ đã ở đây từ 6-7 năm trở lên, trong đó có một số người đã ở đây cả chục năm, thậm chí tới 19 năm như cụ Nguyễn Thị Bình năm nay 78 tuổi. Các cụ nhiều tuổi rồi, khổ nhiều rồi, nên cố gắng sao cho các cụ mạnh khỏe, vui vẻ an lạc lúc cuối đời càng nhiều càng tốt”, Ni sư Huệ Tuyến cho hay.
Không chỉ là Ủy viên Thường trực Ni giới Phật giáo Trung ương và Phó Ban Từ thiện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến còn là đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 14, quận 8. Là người tu hành, Ni sư Huệ Tuyến luôn phụng sự đạo pháp bằng những việc làm thiết thực, gương mẫu trong các hoạt động Phật sự và xã hội; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, vận động phật tử và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bằng uy tín và sự nhiệt thành của mình, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến đã tích cực vận động phật tử tham gia công tác xã hội từ thiện, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn hoạn nạn, tặng quà cho người nghèo, đóng góp xây tặng nhà tình thương, quỹ khuyến học cho học sinh nghèo hiếu học; tổ chức nhiều chuyến đi khám chữa bệnh và tặng quà cho người nghèo các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ nhiều năm qua, hàng năm, Ni sư Huệ Tuyến đóng góp xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ từ 200-500 phần quà cho người nghèo. Riêng đợt dịch COVID-19 vừa qua, Ni sư Huệ Tuyến đã hỗ trợ 500 phần quà cho người nghèo trên địa bàn Phường 14, Quận 8.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 14 (Quận 8), hơn hai mươi năm qua, Ni sư Huệ Tuyến đã có rất nhiều cống hiến cho địa phương. Không chỉ tích cực tham gia hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, nhân đạo tại địa phương, Ni sư bằng uy tín của mình đã gương mẫu, tích cực tuyên truyền rất hiệu quả các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các Phật tử, người trong chùa và những nhân dân sinh sống xung quanh chùa. Những việc làm của Ni sư rất xứng đáng là một hình mẫu tiêu biểu thể hiện sự thống nhất giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Khiêm tốn khi nói về những việc làm của mình, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến cho rằng: “Là người tu hành thì phải nguyện theo lời dạy của đức Phật và cũng phải cố gắng làm tốt bổn phận công dân. Lòng bác ái, nhân nghĩa yêu thương con người của Bác Hồ cũng giống như tư tưởng từ bi, nhân ái của đức Phật. Vì thế, với người xuất gia chúng tôi, làm việc thiện, yêu thương đồng bào như ruột thịt không chỉ là mở rộng vòng tay từ bi của nhà Phật đối với những người bất hạnh, khó khăn mà còn là hành động chung tay cùng đồng bào, cùng dân tộc mang lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn cho mọi người dân như lời Bác Hồ đã dạy”.