Nên chưa từng nghĩ sẽ thử. Chỉ khi biết, đó là một loại bánh chả Tàu tí nào, nếu không muốn nói 100% đất Hà thành, là một “trò khéo” để thử những thiếu nữ Hà thành vào mỗi dịp xuân về, thì đột nhiên cảm tình với bánh Tô Châu thay đổi hẳn…
Bánh Tô Châu có từ bao giờ cũng chả ai biết. Lý do để có cái tên lạ lẫm này cũng chả ai hay. Chỉ nghe những người có tuổi của Hà Nội kể, trong mâm cỗ bánh ngọt dịp Tết của người Hà Nội truyền thống bao giờ cũng có sự hiện diện của loại bánh này. Bánh làm bằng bột gạo tẻ, bột đậu xanh lọc, thịt thăn lợn, đường kính, mộc nhĩ trắng hoặc đen. Và không thể quên nấm hương, vừng trắng, nước hoa bưởi.
Cách làm bánh Tô Châu khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Đường kính được thắng tan với nước. Cho hỗn hợp bột gạo tẻ và bột đậu xanh từ từ vào nước đường, bóp tan hết bột rồi lọc lại qua rây. Đó chính là công đoạn của vỏ bánh.
Với nhân bánh, cách làm cũng rất lạ. Nếu như với bánh giò, thịt nạc và mộc nhĩ được vỏ bột tẻ bao bọc, gói ghém thì bánh Tô Châu hoàn toàn khác. Thịt nạc, nấm hương, mộc nhĩ thái chỉ, vừng rang thơm xát sạch vỏ được cho vào xoong nước đường bột, bắc lên bếp đun vừa lửa, dùng đũa cả quấy luôn tay, đến khi thấy bột đã quánh lại thì cho nước hoa bưởi. Rồi bắc ra đổ vào khuôn (đã xoa mỡ) ấn chặt xuống (trên mặt bột đậy miếng vải). Bánh được đem đun cách thủy khoảng 1 giờ, tới khi bánh trong và chín đều.
Cầu kỳ và lạ lẫm thế nên bánh Tô Châu rất kén người làm. Phải là những ai khéo tay, tỉ mỉ và thật lòng muốn gửi gắm tình cảm yêu thương của mình với người thân trong những ngày sum vầy cuối năm thì mới đủ “can đảm” bày món bánh này ra làm. Giờ, trong thời đại “lúc nào cũng vội” thì việc tìm được một người làm bánh Tô Châu ở Hà Nội càng ít hơn. Bởi thế, mà loại bánh này dần dần không còn ai nhắc đến, giới trẻ thì cũng ít biết đến.
Không chỉ kén người làm, với người ăn bánh cũng thật “kén chọn”. Bánh Tô Châu có màu tím nhạt pha sắc hồng lẫn lộn, lấm tấm mộc nhĩ xay nhỏ, vừng đen và thoang thoảng hương hoa bưởi, nếu ăn không quen, ban đầu người ta có thể khó chịu vì cái “sậm sựt” của vừng, vì vị ngọt mặn trộn lẫn vào nhau. Ngọt trong mặn và mặn trong vị ngọt. Có thể với người trẻ bây giờ chiếc bánh hơi khó ăn. Nhưng với những người già ở Hà Nội, chiếc bánh như một phần ký ức của họ. Chẳng thế mà có những người Việt xa xứ, họ có thể bật khóc khi nhìn thấy bánh Tô Châu và chỉ ao ước được một lần thưởng thức lại hương vị chiếc bánh vào dịp Tết cổ truyền. Nhất là lại được ăn cùng với chiếc bánh củ cải, là cặp bánh “âm dương” của bánh Tô Châu (bánh Tô Châu “nóng”, bánh củ cải “lạnh”)…
Cả Hà Nội chỉ duy nhất có một nơi còn bán bánh Tô Châu, mà chủ quán cũng ngày làm, ngày không, vì không phải nhiều người mua. Thậm chí, khi hỏi mua, sẽ được người bán hàng cảnh báo ngay là: Khó ăn đấy nhé, nếu ăn được thì hẵng mua. Quán ấy, vốn không xa lạ gì với dân Hà Nội - Bánh Gia Trịnh (16A phố Lý Nam Đế, Hà Nội). Bánh Gia Trịnh vốn nổi tiếng với các loại bánh truyền thống, được gọi tinh tế là tinh hoa quà Việt. Nhưng có lẽ, tinh hoa ấy giờ dồn nhiều vào bánh gấc, bánh mảnh cộng, bánh gai, bánh ít nhân dừa, bánh chín tầng mây… là những loại rất được chuộng. Nhưng bà chủ quán, nhớ nghề, cũng là để lưu giữ một nét Hà Nội xưa, nên thỉnh thoảng làm thêm cả các loại bánh khác, như bánh Tô Châu, như bánh củ cải… “Với một chút hoài niệm cổ, những người tuổi đời từ 60 trở lên sống tại đất Hà thành đều nhớ vị ngọt của mứt mận, mát dịu của bánh củ cải, tiếng lúc lắc của nhân bánh rán… hương vị của thập kỷ 40-50, cái thời mà chiếc bánh làm nên câu chuyện, là cái tình của người Hà Thành dành cho nhau - đậm đà nhưng thanh cao”, bà chủ cửa hàng tâm sự thế. Và có lẽ vì thế, mà cái thương hiệu Gia Trịnh gắn với chút hoài niệm cổ mới ra đời và tồn tại lâu tới vậy.
Nhớ bánh Tô Châu, lại nhớ câu chuyện rất riêng tư về Gia Trịnh, về cái hiệu bánh được xây dựng dựa trên truyền thống, với tiền thân là hiệu bánh Moka tại Hải Phòng, do bà Vũ Thị Vịnh, sinh năm 1921, kỹ sư hóa, là người sáng lập. Bà Vịnh là con gái của cụ Vũ Công Minh - Dược sĩ số 4 Đông Dương, người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bà đã được học và say mê nữ công gia chánh, đặc biệt là làm bánh từ các bà sơ trong các trường của Pháp…
Hiệu bánh Moka Hải Phòng nay vẫn tồn tại, thương hiệu vẫn nức tiếng đất Cảng. Nhưng có một người em song sinh của nó, bánh Gia Trịnh, lại khiến người Hà thành và người con dân Việt bốn phương phải nhung nhớ mỗi khi xuân đến, Tết về…
Tuyết Anh