Những người lính trong thời bình

Kể từ khi nhà báo - liệt sĩ đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin phụ trách TTXVN (hy sinh năm 1947), trong lịch sử 67 năm xây dựng và phát triển, hơn 260 cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXVN đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì sự nghiệp Thông tấn. Bên cạnh đó là hàng chục thương binh với những phần thân thể để lại trên khắp các chiến trường...

 

Thân nhân các liệt sĩ của TTXVN xúc động đứng lặng trước tấm bia tưởng niệm trong ngày khánh thành. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Chính bởi vậy, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đã phát biểu trong một lần tới TTXVN dự lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Chưa có một cơ quan báo chí nào có số liệt sĩ lớn như thế. Sự hy sinh của các nhà báo, cán bộ, công nhân viên TTXVN trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc xứng đáng được xây dựng một tượng đài để biết ơn, tri ân không chỉ bằng những tấm bia mà còn là tượng đài trong lòng mỗi người, để cả xã hội biết đến.


Với một bề dày truyền thống như vậy, nên việc TTXVN đã luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, và việc hơn 200 cựu chiến binh (CCB) của TTXVN vẫn luôn noi gương những người đi trước, phấn đấu, vươn lên, giữ vững phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, trở thành điểm tựa vững chắc của TTXVN trong sự nghiệp phát triển... là điều hoàn toàn dễ hiểu.

 

Đón các anh về nhà


Ngôi nhà chung của TTXVN tại số 5 Lý Thường Kiệt còn chưa khánh thành, nhưng “căn nhà” của các anh, các chị, các chú, các bác trên tầng cao nhất thì đã ấm áp khói hương và những đóa sen hồng, sen trắng ngát thơm của mùa sen Hà Nội. Rất nhiều thế hệ TTXVN đã đến đây, thắp nén hương tri ân những Anh hùng liệt sĩ. Rất nhiều gia đình đã lặn lội về tận Hà Nội, chỉ để thấy tên của người ruột thịt, thân yêu của mình... đã được sơn thếp trang trọng trên tấm bia chung vinh danh 263 liệt sĩ của TTXVN (trong đó có gần 30 liệt sĩ của TTXVN chưa xác định được nhân thân đầy đủ)...

 

Đoàn cựu chiến binh TTXVN thắp hương trước mộ 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc trong chuyến thăm chiến trường xưa (4/2012). Ảnh:  Đình Trân-TTXVN

 

Rất nhiều người đã phủ phục trước tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ khi tới thăm, họ khóc nức nở khi nhìn thấy tên người thân của mình trong danh sách dài những liệt sĩ của TTXVN. Có những bà mẹ, người chị, người vợ lại lặng lẽ miết tay trên dòng tên của người thân, như đang nắm lấy cánh tay, chạm vào mái tóc... người thân của mình. Có người áp ngực vào tấm bia, ôm xiết, như cảm thấy hơi ấm của các anh trong vòng tay mình...


Bao cảm xúc trào dâng trong lòng người thân của các liệt sĩ, và cũng bao cảm xúc trào dâng trong lòng các thế hệ của TTXVN. Bởi như lời một đồng chí cán bộ lâu năm TTXVN tâm sự: Mong muốn có một tấm bia để tri ân và vinh danh các liệt sĩ của TTXVN là mong muốn của rất nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên TTXVN, trong suốt cả thời kỳ chúng ta còn trong chiến tranh, lẫn trong hòa bình. Và đây thực sự là cơ hội, là may mắn, khi mong muốn này đã trở thành sự thật!


“Đây là tấm bia tưởng nhớ các liệt sĩ của TTXVN. TTXVN có hơn 260 liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các cuộc chiến tranh biên giới đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện chúng ta mới xác định rõ được tên, tuổi 236 liệt sĩ, số còn lại chưa xác định rõ nhân thân các anh chị. Các anh chị, có những người hy sinh khi còn rất trẻ, ở tuổi đời 15 - 17. Có những người vừa mới vào TTX chưa được bao lâu đã ra đi mãi mãi...”.


Đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh, Chánh Văn phòng TTXVN, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TTXVN, cho biết. “Bao nhiêu năm rồi các thế hệ cán bộ, nhân viên TTXVN mới hoàn thành được tâm nguyện đưa các chị, các anh, các chú, các bác về cùng ngôi nhà, trụ sở chính của TTXVN để các chị, các anh, các chú, các bác cùng chứng kiến sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của TTXVN...”, đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh tâm sự.


“Với một bề dày truyền thống như vậy, nên quả thực bao năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ của TTXVN luôn được coi trọng, sự quan tâm chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo TTXVN và việc làm đầy nghĩa tình, trách nhiệm của các đơn vị chức năng đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ luôn được ghi nhận. Tuy nhiên, để có một việc làm thực sự giúp những người làm thông tấn cùng cảm thấy an lòng, thì tới khi trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt được xây dựng, chúng ta mới có cơ hội thực hiện.


Được thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo TTXVN ủng hộ, Quyết định số 10/TTX ngày 27/4/2012, do Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi ký, cho phép ghi bia, khắc tên các liệt sĩ của TTXVN đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ban hành. Trong Quyết định ghi rõ: Bia đặt tại nơi trang trọng của trụ sở chính của TTXVN, số 5 - Lý Thường Kiệt (Hà Nội), giao cho các đơn vị có liên quan có trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn hương khói cho các liệt sĩ. Đặc biệt trong Quyết định này, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm để xác định được nhân thân của những liệt sĩ còn lại”, đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh cho biết.


Tấm bia nặng hơn 1 tấn, bằng đá granít đen, với chiều ngang 4 m, chiều cao 2,5 m, dày 6 cm.


Và cũng ngay sau khi bia được hoàn tất, ngày 27/7 năm nay, Ban Lãnh đạo và Đảng ủy TTXVN đã quyết định giao cho Hội CCB tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, như một ngày “giỗ” cho các liệt sĩ của TTXVN trong năm đầu tiên về “nhà mới”. Gần 20 gia đình các liệt sĩ, nhiều thương binh của TTXVN đã về dự lễ kỷ niệm. Các thế hệ đang công tác tại TTXVN cũng đều có mặt. Và mỗi người một nén hương, thành kính trước tấm bia tưởng nhớ, để thấu rõ hơn những gì mình phải làm, phải nỗ lực phấn đấu, cho xứng với những hy sinh của người đi trước...

 

Xứng danh Anh bộ đội Cụ Hồ


Với mỗi một cơ quan, Hội CCB, một đoàn thể chính trị xã hội giống như một “pháo đài” xung kích trong các hoạt động. Và những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa ấy, khi trở lại với cuộc sống đời thường, vẫn luôn phát huy được phẩm chất “Thắng không kiêu, bại không nản” của mình, nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyệt đối trung với Đảng, hiếu với nhân dân, trân trọng nghĩa tình đồng đội.


Đó cũng là những điều mà Hội CCB TTXVN đã thực hiện.


Thành lập ngày 23/5/2007, sau 5 năm hoạt động, hiện nay Hội CCB TTXVN có 215 đồng chí, đang sinh hoạt tại 11 chi hội, do đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh, Chánh Văn phòng TTXVN làm Chủ tịch.


Hơn 200 hội viên của Hội CCB TTXVN hiện công tác ở tất cả các đơn vị của TTXVN ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, 63 phân xã tỉnh, thành trong nước và 27 phân xã ngoài nước từ các đơn vị phục vụ như văn phòng, đến các ban biên tập, các tòa soạn báo, các đơn vị chức năng. Trong số đó, có 103 đồng chí là đảng viên, 11 đồng chí hiện là lãnh đạo cấp vụ, 39 đồng chí là lãnh đạo cấp phòng... Với một đội ngũ như vậy, có thể nói, không có hoạt động nào của TTXVN không có sự góp mặt của Hội CCB. “Các CCB luôn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, luôn trung thành với Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phụng sự Tổ quốc, luôn làm việc hết sức mình, không chỉ ở công tác chuyên môn, mà ngay trong các công tác như xây dựng lực lượng quân sự tại chỗ, dân quân tự vệ, phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão... lực lượng chủ chốt vẫn là các CCB”, đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh nhấn mạnh.


Với những thành tích như vậy, các CCB của TTXVN đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, của TTXVN. Nhiều đồng chí được bầu là Bí thư giỏi, được Chủ tịch nước gặp gỡ, khen thưởng như đồng chí Nguyễn Văn Giai, Ngô Anh Văn, Nguyễn Hồng Hạnh. Nhiều đồng chí đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động.


Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của một người lính, mỗi CCB của TTXVN còn luôn tâm niệm về trách nhiệm đối với những đồng đội. Những hành trình về nguồn được tổ chức mỗi khi có điều kiện với điểm đến là ATK, K9, hay mới đây nhất là mảnh đất chiến trường xưa Quảng Trị. Mỗi cuộc về nguồn đó là một lần các CCB về với kỷ niệm không bao giờ quên của thời kỳ máu lửa, vinh quang và nghiệt ngã, thăm lại những đồng chí, đồng đội đã yên nghỉ trong những nghĩa trang như nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Hải Trường (Quảng Trị). Những chuyến đi ấy đã giúp họ “nhắc lại một thời kỳ hào hùng, nhắc lại trách nhiệm người lính. Và đặc biệt là giúp anh em cảm thấy vững tin hơn vào những việc mình đang làm!”, như một CCB đã tâm sự.


Một điều nữa về phẩm chất của người lính, đó chính là tình đồng đội. Hội CCB của TTXVN giống như một ngôi nhà chung của những người lính năm xưa. Nơi họ cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, nơi những người lính còn khó khăn có thể nhận được sự sẻ chia đầy nồng ấm của đồng đội. Rất nhiều câu chuyện xúc động về sự hỗ trợ của các CCB với đồng đội đã được kể.


Đó có thể là sự hỗ trợ về tinh thần trong những công việc đời thường, hay là sự hỗ trợ đầy xúc động bên giường bệnh với những CCB để giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đó cũng có thể là sự hỗ trợ về vật chất với con số lên tới hàng chục triệu đồng cho một CCB đặc biệt khó khăn, con số không hề nhỏ, khi ai cũng biết, những CCB phần nhiều là còn khó khăn bộn bề, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của xã hội.


Và, niềm hạnh phúc của những người lính ấy là tâm nguyện lớn nhất đã được thực hiện: Dựng bia tri ân các liệt sĩ của TTXVN. Tấm bia ấy không chỉ hiện diện trên tầng cao nhất của trụ sở cơ quan mà còn mãi mãi ghi tạc trong tâm khảm các thế hệ của TTXVN.



PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN