Từ cổng Vườn Quốc gia Ba Vì, theo con đường uốn lượn ôm lấy sườn núi, hai bên ngút ngàn màu xanh của cỏ cây, hoa lá như đưa du khách vào chốn bồng lai tiên cảnh. Rời điểm cao 400 mét, du khách đi tiếp 7km trên con đường ngoằn ngoèo, dốc đứng đến Trạm Kiểm lâm cốt 1100 - Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì và tiếp tục leo hơn 1.347 bậc đá tương đương 1,2km nữa mới lên đến Đền thờ Bác, đặt tại đỉnh núi cao nhất khu rừng.
Là người gắn bó với ngôi đền từ khi mới được xây dựng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1100 - Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì Trần Ngọc Chính chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ quản lý hơn 1.000 ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Ba Vì, các anh, chị còn làm nhiệm vụ “thủ từ” - trông coi, hương khói, hướng dẫn du khách đến dâng hương, thăm quan ngôi đền thờ Bác.
Trạm Kiểm lâm cốt 1100 với 11 cán bộ, nhân viên phải luân phiên nhau theo ca, kíp, đảm bảo 24/24 giờ có mặt để bảo vệ, trông coi Đền thờ Bác. Riêng tại khu vực Đền, trong ngày ít nhất lúc nào cũng phải có hai người, dù đó là lúc thời tiết mưa to gió lớn hay sương giá.
"Cũng là kiểm lâm nhưng chúng tôi có một vinh dự đặc biệt hơn anh em khác trong ngành là hàng ngày được phục vụ Bác. Từ khi ở bên Bác, mỗi người chúng tôi tự nhủ với mình, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sống gương mẫu, noi theo tấm gương của Bác. Không những thế, mỗi cán bộ, chiến sỹ còn đóng vai hướng dẫn, giới thiệu cho khách thăm”, Trạm trưởng Trần Ngọc Chính chia sẻ.
Theo quy định, khi trực và làm việc tại Đền thờ Bác, cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm cốt 1100 phải thực hiện quét dọn, bảo vệ khu thờ tự và xung quanh; thực hiện các nghi thức tâm linh theo sự thống nhất của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì, đảm bảo trang trọng, tôn nghiêm theo văn hóa truyền thống của dân tộc.
Dẫn khách tham quan khu Đền thờ Bác, anh Tô Văn Nam, Trạm phó Trạm Kiểm lâm cốt 1100, như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tự tin và tường tận khi giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và sự hình thành của ngôi đền thờ người Cha già kính yêu của dân tộc được đặt tại đỉnh Vua - Núi Ba Vì, ở độ cao 1296m.
Theo anh Nam, Đền thờ Bác được đặt hướng chính theo hướng Nam, chếch sang Đông khoảng 3-5 độ. Đền được khởi công xây dựng ngày 1/3/1999 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Kỷ Mão), khánh thành ngày 31/8/1999 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Mão), đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày mất của Bác (theo ngày Âm lịch).
Đền thờ Bác có diện tích khoảng 150m2, được kết cấu bằng bê tông xi măng cốt thép, trên một quả núi có thế thoáng rộng, thiết kế theo kiểu kiến trúc xà cột, 2 tầng 8 mái dao cong, tạo thế rất vững chãi, xung quanh bố trí những băng ghế ngồi bằng gỗ để mọi người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Ngôi đền có kiến trúc khá đặc biệt, khác với kiến trúc mái đình, mái đền cổ của người Việt, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với lời dặn của Bác trong Di chúc (là xây một cái nhà với những dãy ghế xung quanh để mọi người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi). Trong không gian Đền, tại vị trí trung tâm phía trong được bố trí đặt ban thờ và tượng Bác, phía trước treo bức phù điêu với dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Giọng anh Nam xúc động và trầm hơn khi giới thiệu với đoàn du khách về sự ra đời bức tượng của Người, được đặt ở vị trí trang trọng tại ngôi đền. Tượng được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất, lấy trong kho đồng của Bộ Tư lệnh Lăng. Số đồng này do nhân dân Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) trao tặng nhân dân ta để làm các công trình trong thời gian xây dựng Lăng Bác. Tượng Bác được đúc theo tỷ lệ 1:1, đúng tầm vóc thật của Bác lúc còn sống. Với tư thế Bác ngồi, một tay cầm tờ báo Nhân Dân, một tay cầm gọng kính.
Chính giữa cửa Đền đặt phiến đá xanh nguyên khối, phía trong khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía ngoài khắc trích đoạn Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đọc tại lễ truy điệu Bác năm 1969, đồng thời phiến đá cũng là tấm bình phong che chắn cho ngôi đền. Còn phía trước phiến đá đặt một chiếc trống đồng, phiên bản của trống đồng Hy Cương (Phú Thọ) có đường kính rộng 79cm (tượng trương cho 79 năm hưởng thọ của Bác), chiều cao 69cm (để ghi dấu năm 1969 Bác kính yêu của chúng ta từ trần).
Về phía sau Đền có bức phù điêu với biểu tượng trống đồng và bản đồ nước Việt Nam thu nhỏ có gắn chữ nổi bằng đồng, trích câu nói của Bác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “…Nước Việt Nam là một; Dân tộc Vệt Nam là một; Sông có thể cạn; Núi có thể mòn; Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Sau khi dâng hương, tham quan Đền thờ Bác và được nghe kiểm lâm viên kiêm "thủ từ" giới thiệu về ngôi đền, anh Trần Văn Hiếu đến từ tỉnh Hưng Yên nhận xét: Biết đến ngôi đền thờ Bác từ lâu nhưng nay mới có dịp được đến thăm. Ngoài ấn tượng về cảnh quan kiến trúc du lịch tâm linh, anh khá hài lòng với các cán bộ, nhân viên kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Họ đã hướng dẫn tận tình từ khu vực đỗ xe, đón tiếp và giúp đỡ người dân rất chu đáo, chuyên nghiệp khi lên thăm Đền thờ Bác và núi rừng Ba Vì.
Song song với công việc là một "thủ từ" thì sau mỗi ca gác Đền, những kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì vẫn phải đảm nhiệm công việc chuyên môn đi tuần rừng, ngăn chặn việc khai thác vi phạm lâm luật; tuyên truyền cho bà con đồng bào Dao, Mường trồng rừng, giữ rừng và làm giàu từ rừng.
Các cán bộ kiểm lâm ở khu vực Đền thờ Bác cho biết, do công việc nên nhiều người dù nhà ở ngay chân núi nhưng có khi cả tuần cũng không ghé về thăm gia đình. Còn những người quê ở xa thì cả tháng mới về nhà, thăm vợ con một lần.
“Người thân rất thiệt thòi khi những ngày lễ, Tết, không được quây quần bên gia đình, do chúng tôi phải trực làm nhiệm vụ. Dù vất vả nhưng với lòng tôn kính được phục vụ Bác nên anh, em kiểm lâm ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào khi được làm “thủ từ” ở Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, anh Đỗ Bằng Nghiêm, Trạm phó Trạm Kiểm lâm cốt 1100 - người đã có hơn 10 năm gắn bó với Đền thờ Bác tâm sự.
Mỗi năm, Đền thờ Bác Hồ tại đỉnh Vua - núi Ba Vì đón khoảng 100.000 lượt người, trong đó, có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào, chiến sỹ, đoàn khách quốc tế đến thăm viếng Bác. Để công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan được chu đáo, an toàn, đã có sự đóng góp không nhỏ của Trạm Kiểm lâm cốt 1100 Vườn Quốc gia Ba Vì.