Họ đứng lặng người trước những hình ảnh về ngôi nhà tranh xiêu vẹo, mái lợp bị bão cuốn bay, bờ tường nứt nẻ, loang lổ từng mảng, chỉ còn lại một ít đồ đạc méo mó, tả tơi sau cơn bão của gia đình chị Trần Thị Thảo, thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Một người phụ nữ đơn thân, một mình chèo chống nuôi 3 con ăn học. Trong một trận bão lũ lớn, 2 mẹ con không kịp chạy lúc lũ về, chỉ kịp tháo ngói leo lên mái nhà. Rồi mẹ ôm con, con ôm mẹ trong mưa lạnh từ đêm đến sáng chờ người đến cứu.
Cháu Mai Thị Kim Dung giàn dụa nước mắt, lật giở từng trang sách ướt mèm. |
Công chúng cũng vô cùng xót xa trước hình ảnh cháu Mai Thị Kim Dung, lớp 4A, Trường Tiểu học Quảng Văn, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình giàn dụa nước mắt, lật giở từng trang sách ướt mèm vì nước và bùn đất sau trận bão lũ lịch sử. Rồi hình ảnh những người phụ nữ ngơ ngác trước ngôi nhà vừa bị mưa lũ làm sụp đổ tan hoang, thất thần trước ruộng hoa màu bị bão lũ phá tan hay hối hả thu dọn, nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn bão lũ. Đó là một chiếc chảo đã bị méo mó, chiếc cặp lồng bị bẹp hay chiếc nồi bị mất vung…
Tất cả những hình ảnh trưng bày trong triển lãm lần này không tìm kiếm tính nghệ thuật, mà chỉ là những bức chân dung, những câu chuyện đời, những sẻ chia của các bà, các chị, các mẹ xoay quanh hiểm họa do thiên tai gây ra, đã mang đến những khoảng lặng, những suy ngẫm riêng đối với mỗi người xem, để công chúng thấm thía hơn về sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai.
Những hình ảnh trưng bày trong triển lãm “Sống chung với thiên tai - câu chuyện của người phụ nữ” là một phần của kết quả của dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) hỗ trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện. Thông qua các hoạt động như tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người, tập huấn cho người dân biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu như tham gia trồng rừng, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tập huấn bơi và sơ cấp cứu…
Dự án đã giúp đỡ những phụ nữ yếu thế mạnh mẽ và can đảm hơn, đồng thời thay đổi nhận thức và hành động để ứng phó trước, trong và sau khi bão đến, đảm bảo tốt nhất tính mạng, tài sản, sức khỏe của mình, gia đình và cả cộng đồng, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, những hình ảnh trong triển lãm chỉ là một phần rất nhỏ giúp công chúng có một cái nhìn thực tế từ chính câu chuyện của những người phụ nữ bị mất nhà cửa, tài sản và sinh kế vì bão lũ ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Bên cạnh đó, BTC cũng hy vọng, thông qua góc nhìn văn hóa, mọi người sẽ thấy rõ hơn tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt là trong việc đối phó với thiên tai và xu hướng biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, thiên tai đang diễn ra với nhiều biến động và những hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, những tác động này đối với nam giới và phụ nữ hoàn toàn khác nhau, do những vai trò giới mà họ phải đảm nhận và những bất bình đẳng về giới còn tồn tại.
Theo một nghiên cứu toàn cầu gần đây của Trường Kinh tế London, phụ nữ có khả năng bị thiệt mạng hoặc bị thương vong trong thiên tai cao gấp 14 lần so với nam giới do những bất bình đẳng về giới. Do vai trò giới và các giá trị truyền thống, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người gánh vác công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình, nhưng lại ít được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình phát triển.
Sau khi xem những hình ảnh trưng bày tại triển lãm, bà Đào Thị Nhiên, trú tại quận Đống Đa - Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã từng suýt chết vì chạy lũ. Nước chạy trước, mình chạy sau. Tôi cũng đã từng tham gia chống bão lũ với chị em trong miền Trung vài năm trước. Khi trở lại đây nhìn những hình ảnh trưng bày trong triển lãm này, tôi xúc động lắm. Tôi cũng thấy chị em phụ nữ là những người vất vả nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất sau những trận bão lụt, nhất là chị em ở những vùng miền Trung, năm nào cũng phải chịu nhiều bão, lũ nhất… Nhìn những gương mặt trên đây chúng tôi thấy được sự đau khổ của chị em, khi phải trải qua thiên tai.
Vì thế tôi cho rằng, rất cần có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, giúp đỡ chị em phải sống trong những vùng thiên tai vượt qua khó khăn, sớm trang bị cho chị em những kỹ năng để chị em phụ nữ có thể nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, với biến đổi khí hậu, để chị em có thể vượt lên hoàn cảnh, tránh được những rủi ro khi bão đến.
Anh Nguyễn Văn Hải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất xúc động trước những hình ảnh được trưng bày trong triển lãm lần này. Tôi cho rằng, triển lãm này là một thông điệp từ cơ sở gửi đến những cấp cao hơn, rằng hãy chú ý nhiều hơn đến vai trò của phụ nữ. Trong thiên tai, phụ nữ và trẻ em luôn là những người bị thiệt thòi hơn, và là những người vất vả hơn trong việc phòng, chống và đặc biệt là trong quá trình khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhưng tiếng nói của người phụ nữ lại không có trọng lượng. Tôi cho rằng, trong các hoạt động phòng chống thiên tai, từ cơ sở đến Trung ương, cần chú ý nhiều hơn đến vai trò của người phụ nữ, bởi có sự đóng góp tích cực của phụ nữ thì việc phòng chống thiên tai sẽ có hiệu quả hơn nhiều”.