Phường, xã thờ ơ với vi phạm
Là thành phố đông dân thứ 2 trên cả nước (sau TP Hà Nội), vì thế lượng rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày tại TP Hồ Chí Minh rất nhiều. Trước tình trạng này, nhiều năm qua TP Hồ Chí Minh liên tục tuyên truyền nâng cao ý thức cấm xả rác bừa bãi, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức và có thói quen vứt rác lung tung ra đường phố, vỉa hè… gây phản cảm cho người dân, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Anh Đinh Văn Huệ, ngụ quận 10 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Khu dân cư tôi ở mấy năm nay thực hiện tốt chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cụ thể 100% người dân đều đăng ký "sáng sớm mỗi nhà quét dọn, tập kết rác đúng nơi quy định", cam kết xây dựng môi trường vệ sinh, văn minh. Thế nhưng, việc xả rác bừa bãi đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để, vẫn còn rác thải tràn lan ở gốc cây, vỉa hè trong khu phố”.
Thực tế, hầu hết các tuyến đường trên thành phố đều có thùng rác đặt tại các vị trí gần đèn đỏ, trạm dừng xe buýt ở ven đường. Thế nhưng, rác thải sinh hoạt vẫn tràn mặt thùng rác công cộng. Tại các khu dân cư, những điểm cấm đổ rác lại trở thành nơi tập kết rác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã xử phạt được 463 trường hợp xả ra không đúng nơi quy định với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho biết báo cáo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh mới đây, tình trạng xử phạt rất ít. Trong năm qua, phường thực hiện xử phạt cao nhất là 4 vụ, còn lại đa phần chỉ xử phạt một vụ, có nhiều phường – xã không xử phạt trường hợp nào.
“Từ kết quả trên, chứng tỏ cán bộ địa phương, xã, phường chưa chú trọng và quan tâm xử phạt các trường hợp vi phạm về rác thải, ô nhiễm môi trường. Từ đó, vô hình chung tạo thói quen cho một số người dân “nhờn luật” rồi lây lan sang ý thức của người khác. Nếu cơ quan thẩm quyền không kiên quyết xử phạt thì ô nhiễm ngày càng diễn ra nhiều hơn”, ông Trương Lâm Danh cho biết thêm.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì chính quyền địa phương để lọt rất nhiều hành vi vi phạm xả rác ra môi trường.
Quy định còn chồng chéo
Theo ông Trương Lâm Danh, xử phạt về môi trường được quy định đầy đủ tại Nghị định 155, Nghị định 167. Về cơ quan có thẩm quyền xử phạt là do công an cấp phường – xã thực hiện. Cụ thể, Chủ tịch phường có thể kí quyết định xử phạt hành vi xả rác ra môi trường khoảng 5 triệu đồng, trưởng công an ký quyết định xử phạt 2 triệu đồng...
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng sở dĩ tình trạng xả rác thải ra môi trường vẫn tồn tại là do số vụ xử phạt hành chính về xả rác thải ra môi trường hiện nay không nhiều và mức xử rất thấp nên tính răn đe chưa cao. Ngoài ra, hành vi xảy ra nhanh, tức thời ở các địa điểm vắng người nên không thể bắt quả tang. Nguyên nhân thứ hai, lực lượng chức năng mỏng lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên không thể quản hết công việc giám sát xả rác của người dân. Thứ ba, có ba Nghị định xử phạt khác nhau như: Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 167 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Mặc dù quy định xử phạt rất nhiều nhưng vì chồng chéo giữa các Nghị định nên khó khăn trong việc xử phạt.
“Cụ thể như hành vi tiểu tiện, đại tiện theo Nghị định 155 là phạt từ 1- 5 triệu, nhưng Nghị định 167 chỉ từ 100 – 300 ngàn đồng. Ngoài ra, đối với người thu nhập thấp thì áp dụng có cân nhắc, chính vì lẽ đó mà không có tính răng đe. Một số hành vi bỏ chất thải xây dựng chưa bị phạt, truy xuất từ camera cũng chưa được xử phạt…” bà Thanh Mỹ giải thích thêm.
Để kéo giảm những hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định ra môi trường, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan địa phương, ban, ngành, đoàn thể nên tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh nơi công cộng nói riêng, từng bước hoàn thiện trang bị thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng cho người dân. Đồng thời, tổng hợp các hạn chế, vướng mắc trong các quy định về xử phạt hành vi xả rác ra môi trường để kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ sửa đổi lại nghị định xử phạt hành vi xả rác.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, HĐND thành phố có Nghị quyết 03 về vấn đề bảo vệ môi trường ở đô thị và khu dân cư; trong đó có đề cập đến rất nhiều vấn đề để quản lý chất thải rắn và chất thải sinh hoạt. Hiện nay, các cấp chính quyền đang tập trung triển khai, HĐND thành phố đang tập trung giám sát, kiểm tra. Sắp tới, UBND thành phố tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể hơn, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà sở, ngành đã nêu, như những vấn đề quy định pháp luật đã có nhưng việc triển khai trên địa bàn chưa nghiêm.
“Ngoài ra, UBND thành phố cần xem xét các ý kiến đề nghị của nhân dân về đầu tư hạ tầng, như vấn đề đầu tư phương tiện vận chuyển rác hiện đại, chế độ chính sách đối với người lao động, xã hội hóa một phần công đoạn thu gom và xử lý rác; ban hành giá dịch vụ thu gom rác cho phù hợp nhằm nâng cao thu nhập cho người thu gom rác, nhưng phải quản lý chặt chẽ nguồn thu chi cho đúng đối tượng, tránh tình trạng đầu nậu”, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm.