Thế nhưng cái điều ước vô cùng giản dị đó, không bao giờ đến với chị. Bởi chị đã ngã xuống vào một ngày trung tuần tháng 3 năm 1971, từ loạt đạn của máy bay Mỹ, ven một cánh rừng tràm U Minh Thượng, cạnh ngôi trường mái lá đơn sơ, có một chiếc bàn học trò được kê bằng cánh quạt của máy bay trực thăng Mỹ thuộc ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá.
Chị hy sinh giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ, mang bao nhiêu hoài bão ước mơ, để lại niềm tiếc thương cho đàn em nhỏ, cho đồng chí đồng bào, cùng bạn bè đồng nghiệp.
Lớp học trong chiến khu bên cạnh hầm tránh pháo, trong tầm đạn của đồn cầu Chữ Y, giáo viên là chị Bảy Tấn, ở xóm Hào Sai, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (tháng 6/1971). Ảnh: Võ An Khánh
|
Nhà giáo Ngô Kim Thu thuộc lớp giáo viên về đầu quân cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận khá sớm, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ tận rừng đước thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, khóa đào tạo giáo viên 1965 - 1966.
Cùng lớp với chị về đầu quân cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận lúc bấy giờ còn có cô giáo Nguyễn Thị Thời, cô giáo Nguyễn Thị Huệ, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, thầy Phan Hoàng Lương, thầy Nguyễn Văn Lập… Ngoài thầy Phan Hoàng Lương hy sinh tại ấp Đồng Tranh, cô giáo Nguyễn Thị Hoa hy sinh ở ấp Kè Một, cũng thuộc địa phận xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá.
Cả hai đều hy sinh ở tư thế trên bục giảng. Những thầy cô giáo còn lại đều thủy chung bám trụ với ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30 tháng 4 năm 1975 và cho đến tận sau này.
Trong chiến tranh, việc dạy và học không chỉ ngày hai buổi đến lớp như bây giờ, mà thầy cô giáo phải tự lo liệu đủ thứ, phải xuống tận cơ sở vận động nhân dân hiến đất làm trường, cùng với người dân và chính quyền địa phương tìm nguồn cây lá để dựng trường, cho đến bục giảng, bảng đen, bàn ghế học sinh…
Tất cả đều tạm bợ trong hoàn cảnh thời chiến. Chưa dừng lại ở đó, đã là thời chiến nên việc giặc đi càn quét đốt phá, bom đạn có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Nên trường còn phải có hệ thống hầm hào công sự, có phương án sơ tán học sinh mỗi khi giặc đến.
Có những buổi học thầy cô phải hướng dẫn sơ tán học sinh xuống hầm tránh trú đến 3 lần. Bởi một lẽ đơn giản, ngôi trường nằm trong tầm pháo giặc.
Còn nhớ có một thời cường độ chiến tranh ác liệt đến việc dạy và học ban ngày là không thể, ấy vậy mà đêm đêm đâu đó vẫn ê a tiếng trẻ học bài. Không ít địa danh như: Ngã Ba Cây bàng, Ngã Năm Bình Minh, Kè Một, Cái Nứa, Vĩnh Tiến, ấp Khân…
Nơi một thời được xem là “Vùng đất chết”, “túi bom”, nó vẫn tồn tại song hành những mái trường vách lá đơn sơ, đôi khi chỉ vài chiếc bàn kê tạm, vẫn có vài em nhỏ đêm đêm với chiếc đèn dầu trên tay đến lớp. Trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã đó, hỏi có bao nhiêu người sống chiến đấu và tồn tại trên mảnh đất này? Có bao nhiêu lượt người đã từng một lần đi qua đó, mấy ai còn nhớ hay đã quên?
Riêng tôi luôn có một niềm tin chắc chắn, hình bóng của nhà giáo Ngô Kim Thu, thầy Phan Hoàng Lương, cô giáo Nguyễn Thị Hoa cùng những thầy cô đã ngã xuống vì sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất này, không chỉ in sâu trong tâm trí của mọi người. Mà nó luôn tồn tại song hành cùng thời gian, cùng lịch sử.
Tuy ít tuổi và không phải là lớp học trò của nhà giáo Ngô Kim Thu, nhưng có cái may mắn là ở thời điểm đó tôi được công tác cùng cơ quan, cùng sinh hoạt chi bộ Ban tuyên huấn huyện Vĩnh Thuận chung với chị, chị ở bên giáo dục, tôi ở tuyên truyền nên khá am hiểu và gắn bó. Chị có một đời sống nội tâm vô cùng mãnh liệt, thường khi rất ít nói nhưng hễ nói thì làm, luôn sống có trách nhiệm với mọi người, với cơ quan, đồng chí bạn bè.
Nhớ những năm giặc tiến hành chiến dịch “bình định nhổ cỏ U Minh”. Cái thời khắc mà bom đạn thường trực đe dọa mạng sống, đồn bót ken dày, khắp nơi, mọi người lo đánh giặc trước đã, mấy ai nghĩ đến việc dạy và học.
Vậy mà nhà giáo Ngô Kim Thu vẫn bám cơ sở, bám đội du kích len lỏi vào vùng địch tạm chiến duy trì việc dạy và học. Người dân vùng Bờ Lời, Ký Ướng, xã Vĩnh Bình Nam, vùng Chắc Băng, ấp chiến lược Bình Phong, thị trấn Vĩnh Thuận… nhớ mãi hình ảnh cô giáo Ngô Kim Thu đêm đến từng nhà, dạy chữ cho đàn em ngay dưới hầm tránh pháo.
Để kết thúc bài viết, tôi mạn phép được trích một đoạn có tựa đề “Cô giáo trẻ” của tác giả Minh Thiện (Hồ Thị Thiện) cũng là một nhà giáo có nhiều đóng góp cho tỉnh Rạch Giá trước đây và sau này là tỉnh Kiên Giang, viết tặng riêng nhà giáo Ngô Kim Thu, sau ngày chị hy sinh:
“Vượt lửa đạn, em đưa từng học sinh đến lớp
Tan mây mù rừng mua tím lại nở hoa
Quét nền tro cùng cô bác dựng nhà
Lớp không bảng, lấy cánh trực thăng làm bảng
Không bàn, kê ống pháo sáng làm bàn
Cho trường em tiếng hát lại vang vang…”.