Nhớ chú Tư Ánh

Tháng 6/1999, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) về thăm Kiên Giang vài hôm. Tranh thủ sáng sớm tôi chở chú bằng xe gắn máy từ nhà nghỉ Phương Nam đến quán Áo Dài Mới ở trung tâm thành phố Rạch Giá để dùng điểm tâm. Cùng ăn với chúng tôi có nhạc sĩ Lâm Nghĩa Văn nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang. Chú Trần Bạch Đằng biết tôi qua giới thiệu của anh Văn trước đó hai năm.


Chiến khu Lộc Ninh - 1972, chú Trần Bạch Đằng đứng thứ hai từ bên trái sang.


Dạo ấy, chú Tư tuổi đã 73, dáng hơi gầy, tóc bạc trắng hớt cao. Tiếng nói của ông chắc nịch, phát âm rặt giọng ông già Tây Nam Bộ. Tôi rất thích nghe chú nói chuyện, từ ngữ chú dùng như một người bình dân nhưng rất hóm hỉnh và trí tuệ. Tôi nhìn chú ăn bánh giò cháo quảy chấm cà phê sữa và không bỏ sót một lời nào khi ông trò chuyện. Là người con của đất Kiên Giang chú lúc nào cũng đau đáu hướng về quê hương xứ sở của mình…


Tên thật của chú là Trương Gia Triều, sinh ngày 15/7/1926 tại Bến Bạ, Giồng Riềng, Kiên Giang. Tuổi thơ của chú gắn bó với ruộng vườn, sông nước vùng đất này. Trong bài thơ Gởi Bến Bạ, bút danh Hưởng Triều, chất chứa nhiều kỷ niệm của chú về quê hương mình:


“Thạnh Hưng, Giồng Riềng, Rạch Giá


Một chút xẻo lục bình làm nên Bến Bạ


Đêm tuổi thơ đếm tiếng tắc kè


Cá ăn móng nước xoáy tròn, tròn đôi mắt


Đưa võng bàng, mẹ hát con mơ


Chày cốm dẹp sóc xa nương gió


Bìm bịp kêu Cái Bé (*) chở sao về…”.


(Gởi Bến Bạ - 22/8/1974)


Và trong buổi ăn sáng đó, tôi đã đặt chú một bài viết riêng cho tờ “Kinh tế - Hợp tác Kiên Giang” mà tôi đang phụ trách biên tập. Hôm sau chú điện gọi tôi đến nhà nghỉ lấy bản thảo. Bảy trang viết tay khổ A4 với tựa đề “Kinh tế hợp tác - chuyện không bao giờ cũ”, ngày trước ngày sau đã được chú viết xong. Sức viết của chú thật đáng nể. Riêng lĩnh vực báo chí thôi, lớp trẻ còn phải học tập ở chú rất nhiều điều. Văn phong chính luận của chú như có lửa, thật hấp dẫn và cuốn hút bạn đọc. Như trong bài báo nêu trên, trong đó có đoạn chú viết: “Cái mà nông nghiệp chúng ta thiếu nghiêm trọng là hợp tác giữa nông dân lao động với nhau, giữa nông dân có vốn lao động với người có vốn vật chất, giữa những người sống bằng nghề nông - hiểu theo nghĩa rộng - với trí thức, những nhà khoa học và luôn với những tập đoàn kinh tế trong ngoài nước có thể liên doanh… Vậy thì “hợp tác xã” không hề là… “ông kẹ” hù dọa ai! Ông kẹ mà ta “ớn” chính là cái đầu chưa thông thoáng của người thiết kế mô hình hợp tác xã thuở nào”. Có lẽ không nhiều người viết sắc sảo được như thế!

Một cảnh trong bộ phim Ván bài lật ngửa nổi tiếng mà kịch bản do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết.


Tháng 6/2000 chú viết tiếp cho “Kinh tế - Hợp tác Kiên Giang” bài “Phú Quốc cánh cửa không chỉ cho Kiên Giang”. Trong bài viết, chú sốt ruột lên tiếng: “Nói gì thì nói, chậm khai thác Phú Quốc trên bình diện chiến lược là thiệt thòi cho nền kinh tế quốc gia, trước hết cho bờ tây sông Hậu. Đương nhiên, an ninh quốc phòng đối với một đảo gần như tiền duyên cần phải xem xét thận trọng. Nhưng giữ an ninh quốc phòng tốt hoàn toàn không đồng nghĩa với đóng cửa và chẳng có gì mâu thuẫn với khái niệm mà các nước Đông Nam Á đang thực hiện: thành một khu kinh tế mở…”. Hơn thập niên đã qua, những gì ông nêu vẫn còn mang tính thời sự.


Tôi còn nhớ giữa năm 1998, ban tổ chức cuộc thi viết văn bia cho Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang đã cử anh Lâm Nghĩa Văn và tôi lên thành phố Hồ Chí Minh mời chú Trần Bạch Đằng cùng nhà thơ Viễn Phương tham gia Ban giám khảo. Chú đồng ý ngay mặc dù rất bận công việc nghiên cứu viết lách. Và chú dư biết kinh phí bồi dưỡng cho thành viên Ban giám khảo cuộc thi ở tỉnh lẻ chẳng là bao. Kết quả cuộc thi lần đó chỉ có 3 bài đạt giải khuyến khích. Thế là không đầy tháng sau, chú tự mình viết gửi về cho Kiên Giang một bài văn bia khác để lãnh đạo tỉnh tùy chọn…


Tôi không quên được cách trả nhuận bút “độc nhất vô nhị” của chúng tôi đối với chú. Thay vì bằng tiền ít ỏi của “tờ báo nhỏ”, chúng tôi lấy tiền đó mua những con rùa mang lên Thành phố Hồ Chí Minh biếu chú chế biến thức ăn cho bổ dưỡng. Vậy mà chú rất thích vả cảm động. Tình cảm quê hương mà!


Những công trình nghiên cứu khoa học xã hội tầm cỡ mang “thương hiệu” Trần Bạch Đằng luôn còn giá trị. Những cuốn tiểu thuyết chú viết như Ván bài lật ngửa… bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của nhiều thế hệ bạn đọc. Quê hương Kiên Giang tự hào đã sản sinh ra một con người có phẩm chất cách mạng và đầy tài năng như ông. Mất ngày 16/4/2007, thọ 81 tuổi, chú ra đi là một tổn thất lớn cho nền báo chí và văn học nước nhà nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng.


Tôi ước mong ngày nào đó không xa, ở Kiên Giang sẽ có con đường hay một ngôi trường chính thức mang tên chú. Được như thế sẽ quý biết bao.


“Một chút xẻo làm nên Bến Bạ


Một vạn xẻo làm nên tất cả…”


(Gởi Bến Bạ)


Chiều nay tôi đứng nơi Bến Bạ, ngắm nhìn dòng sông Cái Bé uốn lượn “chở sao về” ngày nào, với những dề lục bình xanh ngắt lững lờ trôi. Sông quê đầy ắp phù sa còn đó như những gì chú Tư Ánh đã viết sẽ còn sống mãi với thời gian.


Mai Nhã Tú
---
( * ) Tên một con sông ở Kiên Giang. Bến Bạ bây giờ thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN