Đó là tâm sự của bà Quách Thanh Vân (75 tuổi), thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - người đã đồng hành, giúp đỡ hàng ngàn mảnh đời khó khăn trong suốt 20 năm qua.
Ngoài sự đóng góp của bản thân, bà Vân còn vận động thân nhân kiều bào, bạn bè tham gia hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần xây dựng quê hương. Bà đã xây dựng nhiều mô hình chăm lo cho người nghèo như: Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ phát triển bền vững, công tác trợ giúp giáo dục. Niềm vui lớn nhất của bà chính là đem lại nụ cười cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.
Đồng hành, sẻ chia với người nghèo
Năm 1999, khi cuộc sống gia đình ổn định, các con đều ăn học thành tài, bà Quách Thanh Vân tự nguyện xin tham gia vào Hội Chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có điều kiện tiếp cận với thực tế, những mảnh đời bất hạnh, bà nhận thức công tác nhân đạo xã hội là việc làm rất cao quý, có nhiều người tình nguyện cùng chung sức sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, bà bắt đầu kêu gọi gia đình, bạn bè cùng tham gia.
Năm 2004, Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, xem người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và kêu gọi kiều bào chung tay đóng góp nguồn lực xây dựng quê hương đã tạo điều kiện thuận lợi để bà vận động thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài cùng đồng hành tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Từ đó đến nay, bà Vân chính là nhịp cầu nối để nhiều kiều bào đóng góp nguồn lực cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Cùng với đó, bà cũng vận động thêm người thân, bạn bè và cộng đồng cùng tham gia. Thông qua các nguồn hỗ trợ, các chương trình chăm lo cho người nghèo, người khó khăn ngày càng được mở rộng.
Hơn 20 năm gắn bó với các công việc thiện nguyện, bà Quách Thanh Vân đã đóng góp, vận động tổng giá trị phúc lợi xã hội gần 43 tỷ đồng, qua đó xây dựng được 363 căn nhà, hơn 30 cây cầu, hỗ trợ hơn 450 xe lăn và hàng ngàn phần quà cho người nghèo, khuyết tật...
Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, bà Quách Thanh Vân đã đóng góp, vận động hơn 20 tỷ đồng để đưa người nghèo đi mổ mắt, mua thẻ bảo hiểm y tế, vận động kinh phí mổ tim, đưa phụ nữ đi điều trị bệnh phụ khoa... Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo là một trong những chương trình đầu tiên bà thực hiện, đến nay đã giúp 3.047 bệnh nhân được sáng mắt.
Lật giở từng trang hình kỷ niệm, bà kể những ngày theo đoàn hỗ trợ bệnh nhân đục thủy tinh thể đến Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật, giúp họ tìm lại ánh sáng. Trong những chuyến đưa bệnh nhân đi phẫu thuật mắt, bà luôn đồng hành cùng đoàn để kịp thời hỗ trợ mỗi khi có khó khăn.
Song song đó, thấu hiểu nỗi đau, khó khăn của người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, bà Thanh Vân tích cực thực hiện Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam". Trong 20 năm qua, bà đã vận động hỗ trợ hơn 8,8 tỷ đồng để tặng quà cho người nghèo, khuyết tật. Đặc biệt, để giúp người nghèo, người khuyết tật có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, bà Quách Thanh Vân đóng góp và vận động gần 11,5 tỷ đồng, xây dựng các chương trình xây cầu, làm đường để phát triển kinh tế vùng khó khăn; xây nhà, hỗ trợ vốn và phương tiện đi lại cho người khuyết tật, người nghèo có chiếc "cần câu" bền vững để lao động, vươn lên trong cuộc sống.
Chị Huỳnh Thị Bích Tuyền (Phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, căn bệnh thận mấy năm qua làm cho gia đình chị đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn. Mấy năm nay, chồng chị phải đi phụ hồ ở Thành phố Hồ Chí Minh để có tiền trang trải cuộc sống. Một mình chị ở nhà vừa phải chạy thận nhân tạo một tuần ba lần, vừa phải lo đan thảm lục bình để có thêm thu nhập. Sự động viên và giúp đỡ của bà Thanh Vân đã phần nào giúp chị vơi bớt khó khăn, có động lực tiếp tục chữa bệnh và vui sống.
“Lúc tôi phát bệnh, gia đình khó khăn quá nên phải bán nhà lấy tiền trị bệnh. Cô Vân hay hoàn cảnh nên tới thăm, thấy nhà tệ quá nên làm cho nhà mới tránh mưa gió. Nhà đã xây được 2-3 năm. Thỉnh thoảng, cô ghé thăm động viên cho tiền, gạo giúp đỡ... Có được căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống, yên tâm trị bệnh, tôi mừng và biết ơn cô nhiều lắm", chị Huỳnh Thị Bích Tuyền chia sẻ.
Những chương trình hỗ trợ phát triển bền vững đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ rất nhiều cho người dân khó khăn. Từ việc giúp đỡ xe lăn, xe lắc, hỗ trợ vốn mua bán đã có nhiều người khuyết tật tự lao động nuôi sống bản thân, đó chính là những chiếc cần câu để họ kiếm sống và có thêm hy vọng vươn lên trong cuộc sống. Đối với những người nghèo được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố, việc làm này đã giúp họ yên tâm hơn để lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
"Tôi mừng vì khi nhìn lại thấy mình đã giúp được rất nhiều người, mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ kịp thời đối với tôi đó là hạnh phúc", bà Vân bày tỏ.
Có lẽ vì thế, dù đã sắp qua tuổi 75 nhưng hễ nghe hoàn cảnh nào khó khăn là bà đều đến tận nơi khảo sát, tìm hiểu để kết nối với các nhà tài trợ; đối với các công trình hỗ trợ người dân, dù xa xôi, bà vẫn rong ruổi xe máy xuống tận nơi vài lần để đôn đốc thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Nhịp cầu nối “đôi bờ vui”
Bà Quách Thanh Vân ví von công việc của minh như nhịp cầu nối "đôi bờ vui", vừa mang lại niềm vui cho người nghèo, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhà tài trợ. Để làm tốt vai trò cầu nối đưa nhà tài trợ đến đúng các đối tượng, người cán bộ phải luôn tìm hiểu và nắm được nguyện vọng của người nghèo. Đối với các nhà tài trợ, người làm cầu nối phải luôn "nói đi đôi với làm", việc sử dụng phải đúng mục đích theo kế hoạch vận động, luôn có sự sâu xát trong thực hiện mới tạo được lòng tin và sự gắn bó lâu dài.
Ông Thái Minh Giám, Chủ tịch hội Khuyến học huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, bà Quách Thanh Vân thường xuyên hỗ trợ học bổng, tìm hiểu và giúp đỡ các học sinh, sinh viên khó khăn trong huyện. Trong quá trình đi hỗ trợ, nếu gặp hoàn cảnh hay địa phương nào khó khăn, bà đều tìm hiểu, kết nối để trợ giúp.
Ông Thái Minh Giám chia sẻ, trong lần đi công tác khuyến học mới đây, tình cờ phát hiện người dân xã Phú Đức, huyện Long Hồ nhiều năm nay phải đi lại trên chiếc cầu nhỏ bị hư hỏng rất nguy hiểm, bà Quách Thanh Vân đã làm "cầu nối" để nhà tài trợ hỗ trợ xây cầu bê tông vững chắc giúp người dân đi lại thuận tiện. Sau hơn 2,5 tháng thi công, chiếc cầu đã hoàn thành, đem lại niềm phấn khởi cho người dân địa phương. Trong quá trình thi công cầu, bà Quách Thanh Vân luôn lui tới khảo sát để nắm tình hình, đôn đốc thực hiện. Nhờ vậy, cây cầu hoàn thành sớm, đạt chất lượng, giúp bà con đi lại an toàn, xe cộ chở hàng hóa lưu thông thuận tiện hơn.
Đồng hành với bà Quách Thanh Vân trong các hoạt động từ thiện xã hội nhiều năm qua, bà Nguyễn Ngọc Truyền, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, người Khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời của bà Vân đã giúp nhiều người yếu thế trên địa bàn vượt qua khó khăn, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, thiên tai, dịch bệnh. Chính nhờ những hỗ trợ về vốn, phương tiện đi lại, công cụ lao động mà người nghèo, khuyết tật có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cách làm việc của bà Vân rất cụ thể, mặc dù cao tuổi nhưng luôn tự đi tìm hiểu, phát hiện và vận động tạo nguồn để trợ giúp.
Đặc biệt, khi đã giúp bà sẽ giúp đến nơi đến chốn, có hiệu quả để cuộc sống của người dân ở địa phương khởi sắc", bà Nguyễn Ngọc Truyền cho biết. Chia sẻ về hành trình thiện nguyện hơn 20 năm qua, bà Quách Thanh Vân tâm sự, dù đã lớn tuổi, việc đi lại có phần hạn chế, có những lúc mệt mỏi khiến bà muốn nghỉ ngơi, nhưng khi thấy còn nhiều mảnh đời cần giúp đỡ, đôi chân bà vẫn không thể dừng lại. "Với vai trò là cầu nối, đôi khi cũng có những lúc tủi lòng, có những lời xúc phạm thay vì lời cảm ơn. Những lúc đó, tôi chỉ nhìn ở nụ cười của người được thừa hưởng, những niềm vui trong ánh mắt của bà con chính là động lực để tôi theo đuổi hành trình này. Cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và trái tim của người làm thiện nguyện không có giới hạn, nó không cho phép tôi dừng lại. Tôi vẫn cố gắng làm chiếc cầu nối thật xứng đáng với niềm tin của người nghèo, của nhà tài trợ đã gửi gắm cho mình", bà Vân chia sẻ.