Được đầu tư gần 54 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng chưa được 1 tháng, cả 3 tuyến kè trọng yếu bảo vệ bờ sông Thu Bồn thuộc địa phận xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) và xã Điện Quang (huyện Điện Bàn) của tỉnh Quảng Nam đã bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau một cơn lũ. Trước tình trạng này, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu do sức tàn phá của thiên tai quá lớn hay công trình thi công kém chất lượng (?).
Hàng chục năm nay, cứ mỗi khi lũ dữ ào về là bờ sông Thu Bồn qua địa phận thôn Thanh Châu và Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị xâm thực rất nghiêm trọng. Ngoài hàng loạt diện tích đất chuyên canh cây trồng cạn bị cuốn trôi thì sinh mạng của hàng nghìn con người thuộc 500 gia đình ở 2 thôn trên cũng bị đe dọa trực tiếp.
Qua nhiều lần người dân và chính quyền địa phương nơi đây kiến nghị, cuối tháng 8/2011 Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định chi gần 39 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng 2 tuyến kè kiên cố với tổng chiều dài 2,114 km nhằm bảo vệ khẩn cấp bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Thanh Châu và Lệ Bắc của xã Duy Châu. Theo đó, 2 tuyến kè này được thi công với cao trình đỉnh từ 7 đến 8 mét. Mái kè làm bằng tấm lát bê tông trong ô khung dầm, chân kè gia cố bằng rọ đá.
Sau khoảng 2 tháng gấp rút thi công, đến giữa tháng 10/2011, 2 tuyến kè trọng yếu này chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Lãnh đạo chính quyền xã Duy Châu và hàng nghìn người dân địa phương vô cùng phấn khởi. Vậy là từ nay ước mơ cháy bỏng của họ đã trở thành sự thật. Nỗi lo hà bá cuốn nhà, cuốn đất sản xuất mỗi khi lũ dữ tràn đến đã không còn nữa.
Thế nhưng, niềm vui ngắn "chẳng tày gang". Trong đợt lũ giữa tháng 11/2011 vừa qua, cộng với mưa to liên tục kéo dài, lũ từ thượng nguồn chảy về đã phá tan hoang 205 mét kè Lệ Bắc và 50 mét kè Thanh Châu. Có mặt trên tuyến kè Lệ Bắc, chúng tôi thấy hàng nghìn tấm lát bê tông trên mái kè này đã bị lũ cuốn xuống sông, trơ ra những lõm đất nhão nhẹt bùn. Còn tại kè Thanh Châu, những khối bê tông lớn của mặt kè cũng bị lũ xé toạc, từng miếng nằm ngổn ngang.
Ông Nguyễn Văn Sự, một người dân có nhà ở gần tuyến kè Thanh Châu nói: “Trận lũ vừa rồi, nước chảy đâu có mạnh lắm mà chẳng biết răng mặt kè nó bị bể vụn ra rứa không biết”.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên cho biết: "Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT vẫn chưa làm thủ tục bàn giao tuyến kè Lệ Bắc và Thanh Châu cho địa phương quản lý. Ngoài hàng trăm mét kè đã bị lũ cuốn đi, bây giờ trên 2 tuyến kè này còn rất nhiều điểm bị tụt mái rất nghiêm trọng, chỉ cần một cơn lũ ở mức báo động 2 nữa thôi là sạt lở càng nặng nề hơn. Mưa lũ vẫn còn diễn biến rất phức tạp, thời gian tới nếu các đơn vị liên quan không khẩn trương gia cố, sửa chữa lại những đoạn đã bị hư hỏng thì rất nhiều khả năng 2 tuyến kè này sẽ bị xoá sổ hoàn toàn”.
Suốt mấy ngày nay, do ảnh hưởng trực tiếp của đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào, kết hợp với nhiễu động đới gió đông trên cao, tại địa bàn huyện Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung liên tục có mưa to đến rất to. Thủy triều dâng cao, lũ từ thượng nguồn chảy về với lưu lượng lớn, tuyến kè Lệ Bắc tiếp tục bị sạt lở. Từng mảng bê tông lại đổ ập xuống dòng nước đục ngầu. Mối lo mất đất, mất nhà càng trĩu nặng trong lòng người dân ở nơi “ốc đảo” này.
Suốt mấy ngày nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục có mưa to đến rất to. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Còn tại tuyến kè chống xói lở khẩn cấp bờ hữu sông Thu Bồn thuộc địa phận thôn Văn Ly, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn có tổng chiều dài hơn 590 mét, rộng 2 mét, cao trình đỉnh 6,5 - 7,5 mét, được thi công bằng tấm bê tông đúc sẵn lát mái cũng cùng chung số phận. Theo tìm hiểu được biết, đầu tháng 9/2011, với nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng do ngân sách Trung ương cấp, Sở NN&PTNT khởi công xây dựng công trình này. Đến cuối tháng 10/2011, tất cả các hạng mục đều thi công hoàn tất.
Trong khi người dân và chính quyền cơ sở đang mừng như “mở cờ trong bụng” thì cũng trong đợt lũ giữa tháng 11/2011 lũ ào về khiến ít nhất 200 mét kè đổ ập xuống lòng sông, nhiều điểm trên tuyến kè trọng yếu này đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Chân kè đứt, một lượng lớn tấm lợp bê tông xi măng của mái kè bị cuốn phăng. Không chỉ vậy, mặt kè và những thanh bê tông kích cỡ lớn giằng dọc ngang cũng bị phá tan hoang.
Hiện tại, kè bị toạc mái và chân, bờ sông lại tiếp tục bị xâm thực vào rất sâu, nếu trong những ngày tới, các cơ quan chức năng không có biện pháp khắc phục thì không ai có thể đảm bảo tuyến kè này có tiếp tục “nằm yên” hay không.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao cả 3 tuyến kè trên đều mới hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa đầy 1 tháng lại bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau một cơn lũ chưa phải là lớn. Liệu có phải do chất lượng công trình không đảm bảo (?)
Được biết, trước khi xảy ra sự cố này, chủ đầu tư đã mua bảo hiểm cho cả 3 tuyến kè trên với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Hiện, các ngành liên quan và đơn vị bán bảo hiểm đang khẩn trương thống kê mức độ thiệt hại để tiến hành việc chi trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, tính theo mức hiện thời thì đơn vị bán bảo hiểm cũng chỉ có thể chi trả tối đa chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, để sửa chữa lại các tuyến kè này thì phải mất ít nhất là khoảng 2 tỷ đồng.
Nguyễn Sơn