Nhiều trạm y tế ở Bình Dương thiếu kinh phí vận hành

Theo phản ánh, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh kéo dài khiến chi phí của trạm y tế cấp phường có đông dân cư ở Bình Dương đều tăng, nhất là thời điểm các phường bị "đông cứng" trong đợt dịch. Các khoản tiền chi trả hoạt động tối thiểu vượt quá số kinh phí được cấp.

Chú thích ảnh
Trạm Y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh (phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Từ đó, các trạm y tế thiếu kinh phí hoạt động và nợ kéo dài tiền điện thoại, điện sinh hoạt trong bối cảnh việc phòng, chống dịch còn diễn biến phức tạp.
 
Theo ghi nhận, Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú (thành phố Thuận An) đến nay vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng các khoản tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền thuê bảo vệ và hộ lý, tiền văn phòng phẩm trong những tháng cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12 của năm 2021.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An cho biết, thành phố có 3 trạm y tế và 7 phòng khám đa khoa (đều có trạm y tế trong đó). Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các trạm y tế được cấp kinh phí hoạt động 55 triệu đồng/năm. Trên thực tế, các trạm y tế ở các địa bàn dân cư đông phải chi trên 120 triệu đồng/năm nên dẫn đến nợ các nhà cung cấp các dịch vụ nêu trên.

Năm 2021, do tình hình dịch COVID-19, các trạm y tế không có nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh cho người dân nên không có nguồn chi cho các hoạt động như điện, nước, văn phòng phẩm, internet...

Hiện tại, trong 10 trạm y tế của thành phố Thuận An chỉ có 3 trạm có thể cân đối và ổn định được chi phí, còn 7 trạm không thể tự cân đối và đang thiếu khoảng 218 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, thành phố Thuận An tạm ứng từ dự phòng ngân sách cho các trạm y tế để chi trả, đảm bảo hoạt động thường xuyên, đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét bổ sung thêm kinh phí cho các trạm y tế trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Thành phố Dĩ An có 7 trạm y tế. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ, hiện tại kinh phí hoạt động các trạm bình thường, các trạm đang cố gắng duy trì. Tuy nhiên, về lâu dài để đáp ứng yêu cầu vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, các trạm cần quan tâm đầu tư nhiều hơn. Các trạm y tế của thành phố Dĩ An đang được thành phố xác định kế hoạch củng cố kiện toàn lâu dài nâng cao chất lượng hoạt động. Những vấn đề liên quan kinh phí nhân lực sẽ được tổng hợp thêm.

Sở Y tế Bình Dương xác nhận vấn đề này đang xảy ra ở nhiều trạm y tế phường tại thành phố Thuận An. Kinh phí hoạt động cấp cho trạm y tế trong bối cảnh dịch bệnh không đủ cho các đơn vị trang trải. Ngành Y tế đang đề xuất cấp tỉnh giải quyết các vấn đề về tài chính để cho các trạm y tế yên tâm hoạt động hiệu quả hơn.

Huyền Trang (TTXVN)
Tăng cường nhân lực cho Trạm Y tế khi số ca mắc COVID-19 tăng cao
Tăng cường nhân lực cho Trạm Y tế khi số ca mắc COVID-19 tăng cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, từ 6 giờ ngày 27/2 đến 6 giờ ngày 28/2, tỉnh ghi nhận 3.572 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.946 ca mắc trong cộng đồng. Như vậy, từ ngày 4/10/2021 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 77.487 ca mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN