Nhiều người dân vẫn e ngại vắcxin Quinvaxem

Mặc dù các chuyên gia y tế luôn khẳng định, vắcxin Quinvaxem đảm bảo chất lượng, không phải là nguyên nhân dẫn đến những tai biến nghiêm trọng cho trẻ trong thời gian qua; tuy nhiên, đến nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn rất e ngại, không đưa trẻ đi tiêm chủng loại vắcxin này.


Phập phồng lo sợ


Tháng 10/2013, vắcxin Quinvaxem được tái sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, sau 5 tháng tạm ngừng sử dụng để điều tra chất lượng vắcxin vì có tới có 9 trẻ tử vong, chỉ trong vòng 6 tháng (từ đầu tháng 11/2012 đến tháng 4/2013).

 

Người dân quay lưng với chương trình TCMR, độ bao phủ vắcxin co lại, dịch bệnh rất dễ bùng phát.


Thế nhưng, sau khi vắcxin Quinvaxem được sử dụng lại, nhiều bà mẹ có con nhỏ lại lo thót tim khi tiếp tục đón nhận thông tin: Hàng chục trẻ nhập viện sau tiêm vắcxin Quinvaxem. Lúc này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đại diện Bộ Y tế, lại thêm một lần nữa phải đứng ra “minh oan” cho vắc xin Quinvaxem: “Tất cả các trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem vừa qua đều là những phản ứng thông thường. Đến nay, tất cả các trường hợp này đều ổn định và đã ra viện”.


Dẫu vậy, đến nay, nhiều bà mẹ có con nhỏ vẫn rất lo lắng, không muốn đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin Quninvaxem, hoặc cố gắng đưa con đi tiêm vắcxin dịch vụ để tránh tai biến, thậm chí có người còn quyết định không đưa trẻ đi tiêm chủng.


Chị Nguyễn Phương Lan, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghe thông tin nhiều trẻ bị tai biến sau tiêm chủng, gia đình tôi lo lắm. Tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng thì lo ngay ngáy, mà tiêm dịch vụ thì nhà tôi không có đủ điều kiện kinh tế. Do đó, vợ tôi quyết định không đưa con đi tiêm chủng nữa”.

“Vắcxin Quinvaxem ngừa được năm loại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Không chích Quinvaxem cho trẻ là một thảm họa, bao nhiêu công sức mà ngành y tế bỏ ra hàng chục năm qua để khống chế dịch bệnh sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.

BS Trương Hữu Khanh,
BV Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh


Cũng có tâm lý lo lắng tương tự, chị Phạm Thu Trang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bức xúc nói: “Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định chất lượng vắcxin và quy trình tiêm chủng đảm bảo; nhưng lại nói bất kỳ vắcxin nào cũng có tỷ lệ tai biến nhất định và cứ kêu gọi người dân chúng tôi đưa con đi tiêm chủng. Là cha mẹ, chúng tôi không thể chấp nhận chuyện con mình có thể sẽ nằm trong tỷ lệ tai biến nhất định đó. Vậy nên, chúng tôi đành chọn cách không đưa con đi tiêm vắcxin theo diện tiêm chủng mở rộng nữa mà chắt bóp chi tiêu, để đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Tuy mất tiền nhưng dù sao cũng yên tâm hơn vì tiêm dịch vụ ít khi xảy ra tai biến”.


Không chỉ riêng gì chị Thu Trang, ở trên mạng Internet, trong các diễn đàn, các web về chăm sóc trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ có con nhỏ cũng chia sẻ nỗi lo lắng về việc liên tiếp xảy ra tai biến vắcxin. Nhiều bà mẹ cho biết đã hoãn thời gian tiêm cho trẻ, thậm chí có chị, em còn rủ nhau bỏ hẳn việc tiêm vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ.


E ngại dịch bệnh sẽ bùng phát


“Nếu các bà mẹ không tiêm đầy đủ vắcxin cho trẻ, độ bao phủ vắcxin co lại, dịch bệnh rất dễ bùng phát. Khi đó, người chịu hậu quả nhiều nhất vẫn là người dân, bởi gánh nặng về bệnh tật là khôn lường. Đơn cử, đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib rất cao. Nếu không chích ngừa Hib, trẻ có thể mắc bệnh, trong khi đó, một ca viêm màng não phải điều trị kéo dài, rất tốn kém mà nguy cơ vẫn để lại di chứng, thậm chí có thể trẻ sẽ tử vong”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo.


Mới đây, đại diện WHO, UNICEF đều đã khẳng định: Chất lượng vắcxin Quivaxem được kiểm định rất nghiêm ngặt trong suốt quá trình sản xuất và cung cấp. Quinvaxem được WHO tiền thẩm định chất lượng để đảm bảo rằng chất lượng vắcxin đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trên toàn cầu.


Giống như các loại vắcxin khác, Quinvaxem có thể có vài tác dụng phụ nhẹ. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm sốt nhẹ, sưng nhẹ tại chỗ tiêm và khó chịu trong thời gian ngắn. Ngoài ra, vô cùng hiếm gặp trường hợp trẻ có thể bị dị ứng nghiêm trọng đối với vắcxin (ít hơn 1 ca/1 triệu lần tiêm). Trong trường hợp này, nếu được xử trí kịp thời và đúng cách, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.


Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, hạn chế những sự cố tai biến đáng tiếc, đại diện Bộ Y tế khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra các điểm tiêm chủng từ Trung ương tới cơ sở. “Ngoài các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, các đoàn giám sát của các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đầu ngành, các địa phương sẽ đến các điểm tiêm chủng nhằm khắc phục những tồn tại. Chúng tôi kiên quyết chỉ đạo, chỉ những điểm tiêm chủng đủ điều kiện mới được phép tiến hành tiêm chủng cho trẻ. Do đó, các bậc phu huynh không nên hoang mang trước những thông tin về tai biến tiêm chủng, cần tiếp tục đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ”, ông Trần Đắc Phu, nhấn mạnh.


Bài và ảnh:Đan Phương - P.Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN