Ông Phạm Quốc Dân, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: Qua theo dõi và kiểm soát khu hệ chim của vườn, nhiều loài chim quý hiếm ở đây đang phát triển nhanh bầy đàn, số lượng cá thể tăng lên nhiều so với trước đây.
Theo đó, cò bộ Java, cò trắng, vạc, cò lửa, cò lửa lùn, cuốc ngựa trắng, gà nước máy trắng, gà nước vằn, gà lôi nước, bìm bịp, chích đầm lầy… là nhóm loài phát triển nhanh mặc dù chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, loài chim già sói phát hiện ở vườn vào năm 2004 chỉ khoảng 5 - 7 con và hiện nay có trên 100 con. Đây là giống chim đã được đưa vào Sách Đỏ do có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Khu vực Đông Nam Á hiện chỉ có hai nơi tìm thấy loài chim này, trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Nhiều loài chim quý như bồ nông chân xám, hạc cổ trắng, cò quắm trắng đầu đen, điên điển… cũng sinh sôi nảy nở, phát triển thành bầy khá đông.
Việc nhiều loài chim quý hiếm ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng phát triển nhanh cho thấy môi trường sinh thái khu vực này đang phục hồi và ổn định. Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiếp tục tận dụng tối đa khả năng tái sinh tự nhiên của rừng kết hợp đầu tư trồng rừng, thực hiện các biện pháp lâm sinh thích hợp trong khôi phục rừng tràm, nhằm tạo môi trường sống bền vững, thân thiện cho các loài chim. Vườn cũng bảo vệ nghiêm ngặt khu hệ chim, không tác động, thực hiện các biện pháp quản lý để duy trì cảnh quan, môi trường của các sinh cảnh tự nhiên; bảo tồn các quần xã thực vật, khu làm tổ, cư trú của các loài chim để chúng tiếp tục sinh sôi, phát triển nhanh thêm số lượng cá thể.
Khu hệ chim Vườn Quốc gia U Minh Thượng có thành phần và số lượng các loài chim phong phú, đa dạng. Sau cháy lớn rừng ở đây năm 2002, thành phần loài chẳng những không giảm mà còn tăng từ 186 loài lên 188 loài chim, chiếm 22,7% so với số loài chim ghi nhận được ở nước ta; trong đó có 8 loài, chiếm tỷ lệ 0,1% trên tổng số cá thể trên phạm vi toàn cầu.
Lê Huy Hải