Chủ trương xã hội hóa nước sạch được tỉnh Thái Bình thực hiện từ năm 2012 nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh, góp phần mang nước sạch đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Tự Tân và Hòa Bình (huyện Vũ Thư) vẫn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nhất là vào mùa hè, mặc dù đã lắp đặt đường ống nước và hoàn thành các khoản đóng góp với doanh nghiệp để được cung cấp nước sạch.
Trước đây người dân xã Hòa Bình sử dụng nước do Ban quản lý Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Thái Bình cung cấp, đến năm 2017 công trình này được chuyển giao cho Công ty cổ phần Bitexco Nam Long đầu tư, khai thác với nhà máy đặt tại xã Tự Tân. Thời điểm đó, hầu hết người dân xã Hòa Bình đều phấn khởi, hy vọng khi công trình được bàn giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư thì chất lượng nước được đảm bảo và cung cấp đủ nước sạch cho người dân sinh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu nước trước đây.
Theo cam kết giữa người dân và đơn vị cung cấp, với mức đóng góp khoảng 3 triệu đồng/hộ, người dân được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn, chất lượng được cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình thẩm định. Song niềm vui chưa được bao lâu thì nay người dân địa phương lại ngán ngẩm vì cảnh mất nước triền miên, mọi sinh hoạt bị đảo lộn.
Nằm ngay trên trục đường liên xã, sát với đường ống nước chính nhưng mấy tháng nay gia đình chị Bùi Thị Nga, thôn Thắng Lợi, xã Hòa Bình không có nước để dùng. Chị Nga cho biết, mất nước đã khổ nhưng mất nước vào những ngày nắng nóng vừa qua còn khổ hơn rất nhiều. Nước chảy nhỏ giọt, hứng cả ngày không được một chậu nước rửa rau nên ai cũng bức xúc.
Cùng chung hoàn cảnh như chị Nga, ông Phan Văn Nguyễn, thôn Thắng Lợi, xã Hòa Bình cho biết, mất nước, thiếu nước là chuyện thường xuyên ở xã Hòa Bình và đặc biệt là ở thôn Thắng Lợi do thôn nằm ở cuối nguồn cung cấp nước. Ngay đợt Tết nguyên đán vừa qua, người dân thôn Thắng Lợi cũng không có nước để dùng và cao điểm là trong hơn 1 tháng hè vừa qua, cả thôn đều “khát” nước sạch. Để có nước dùng, người dân phải khắc phục bằng cách đi mua từng khối nước hoặc xin nước từ những gia đình còn giếng khoan.
Việc cấp nước không ổn định đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ dân tại đây, trong khi họ đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng cấp nước với doanh nghiệp. Bức xúc trước tình trạng nước sạch không có để sử dụng, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương và điện thoại trực tiếp cho đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty cổ phần Bitexco Nam Long nhưng tình trạng không được cải thiện.
Người dân địa phương cho biết, cứ được một thời gian doanh nghiệp phục vụ nước sạch đầy đủ thì lại ngay sau đó cấp nước kiểu “nhỏ giọt”. Khi nỗi bức xúc vượt quá giới hạn, trong tháng 5, tháng 6 vừa qua khi doanh nghiệp thu tiền nước sử dụng, nhiều hộ dân tại thôn Thắng Lợi đã không nộp số tiền này với lí do doanh nghiệp không cung cấp đủ nước, không thực hiện đúng cam kết với người dân.
Nằm ngay trên địa bàn có nhà máy nước sạch của Công ty cổ phần Bitexco Nam Long nhưng hơn 3 năm nay, 40 hộ dân ở thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân, địa phương giáp ranh với xã Hòa Bình cũng chung cảnh ngộ. Mỗi năm, thời gian mất nước ở đây được tính bằng tháng. Ông Trần Văn Bàng (84 tuổi, thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân) bức xúc, dù biết nước không đảm bảo vệ sinh nhưng cũng không còn cách nào khác, gia đình ông phải bơm nước từ con rạch cạnh nhà chuyên tưới tiêu nước cho đồng ruộng lên để tắm giặt, còn nước để ăn uống phải xách từng xô đi xin ở những gia đình có nước giếng khoan… Tuổi cao sức yếu cộng với nước không đảm bảo vệ sinh nên ông Bàng thường xuyên mắc các bệnh về da và mắt.
Gia đình anh Trần Quang Đằng (con trai ông Bàng, thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân) có 6 người; trong đó, 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ (4 tuổi và 10 tháng tuổi). Anh cho biết, trong những ngày oi nóng vừa qua, nước sạch không có để dùng khiến mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, gia đình anh phải mua nước vào bồn nước chứa dùng nấu nướng nhưng cũng không kéo dài được do vận chuyển khó khăn. Sau đó, người lớn trong gia đình buộc phải dùng nước từ kênh thủy lợi trước nhà, còn hai cháu nhỏ được ưu tiên hơn nên gia đình anh mua bình nước 20 lít/ngày phục vụ việc ăn uống, tắm giặt.
Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân (huyện Vũ Thư) cho biết, trước tình trạng thiếu nước, mất nước thường xuyên ở thôn Kiều Mộc, chính quyền xã đã nhiều lần báo cáo với UBND huyện và công ty cấp nước. Mới đây, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long đã lắp đặt đường ống bổ sung, đấu nối từ thôn Nam Long (xã Tự Tân) sang thôn Kiều Mộc để khắc phục tình trạng thiếu nước ở thôn này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Tự Tân, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài công ty cần khảo sát lại nhu cầu sử dụng, hệ thống đường ống, công suất nhà máy để việc cấp nước đảm bảo duy trì ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Nhà máy nước Nam Long (Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long), hiện nay Nhà máy nước Tự Tân đang vận hành, cấp nước sạch cho 4 xã gồm: Tự Tân, Minh Khai, Hòa Bình, Tam Quang (huyện Vũ Thư) với công suất 3.200m3/ngày đêm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch ở xã Tự Tân và Hòa Bình thời gian vừa qua là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu người dân sử dụng nước sạch nhiều.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước, mất nước tại 2 địa phương này, phía công ty sẽ nâng cấp tuyến đường ống thêm 2 km chạy dọc Quốc lộ 10. Do Quốc lộ 10 thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải nên công ty đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ xin cấp phép từ Bộ để sớm nâng cấp tuyến ống nước, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân theo cam kết ban đầu.