Nhiều dự án chậm hàng chục năm
Đại biểu Lê Minh Đức cho biết, đa số các dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ từ ít nhất hai năm và nhiều nhất là hàng chục năm. Đa số các dự án bị chậm tiến độ đều do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án cầu Nam Lý (quận 9), khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng nhưng đến nay đang bị đình trệ suốt 2 năm qua; dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) đến nay đã chậm hơn kế hoạch 4 năm; dự án 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ đường vành đai 2 gần khép kín nhưng những đoạn chưa khép kín cũng đặc biệt khó khăn do giải phóng mặt bằng. Trong nhiều đoạn của tuyến vành đai 2, dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) có chiều dài chỉ 2,75km dù khởi công năm 2017 nhưng đến nay, mới chỉ đạt khoảng 60% và phải tạm ngưng vì không có mặt bằng thi công…
"Các dự án trọng điểm chậm tiến độ, vậy UBND TP Hồ Chí Minh có đánh giá được năng lực tài chính trước khi các đơn vị thi công đấu thầu dự án hay không? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý và địa phương như thế nào khi chậm giao mặt bằng cho chủ đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ hàng chục năm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở xung quanh dự án", ông Lê Minh Đức thắc mắc.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Ban Đô thị HĐND TP Hồ Chí Minh, cho biết bên cạnh một số mặt tích cực, nhìn chung việc thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm tiến độ. Mỗi dự án chậm tiến độ đều gây ảnh hưởng đến đời sống người dân như: gây ô nhiễm môi trường, kẹt xe… thậm chí còn ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 17 dự án lớn đang thi công; 29 dự án đang thi công nhưng cầm chừng và tới 28 dự án phải ngưng thi công do chưa có mặt bằng.
"Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ. Thành phố có thể thực hiện tập trung một nguồn lực để làm cho xong một dự án, sau đó mới tiếp tục thi công các dự án khác. Bởi các dự án chậm tiến độ vừa qua ngoài việc vướng giải quyết mặt bằng do thiếu vốn đầu tư, vì vậy khi một dự án nào đó bị chậm kéo theo nhiều dự án khác bị chậm tiến độ theo”, ông Nguyễn Minh Nhật kiến nghị.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Trả lời các câu hỏi của đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (đơn vị được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư các dự án giao thông lớn trên địa bàn) cho biết, việc chậm tiến độ có một phần trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nhưng đây không phải là vấn đề lớn vì hiện các đơn vị này đủ năng lực để thực hiện dự án.
"Thời gian thi công các dự án bình quân đều chỉ từ một đến hai năm, ngắn hơn thời gian chờ đợi mặt bằng. Khi nhận dự án, các chủ đầu tư cũng chuẩn bị sẵn nguồn vốn để chuẩn bị thực hiện thi công và chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công đúng tính tiến độ và đảm bảo chất lượng", ông Lương Minh Phúc nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, áp lực lớn nhất đối với các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn vẫn là mặt bằng. Vừa qua, có 3/4 tổng số dự án gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng.Nguyên nhân cũng do việc cán bộ quận, huyện lơ là trong giám sát dự án khiến dự án bị ngưng trệ, lãng phí. Vì vậy, hy vọng HĐND TP Hồ Chí Minh xem đây là một nội dung đánh giá lãnh đạo quận, huyện có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Bởi Chỉ thị của Thành uỷ cũng đã xác định trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của người đứng đầu các quận, huyện.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết tất cả dự án trong danh mục ưu tiên đầu tư đều thực hiện quy hoạch và xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quận, huyện nên có dự án do các địa phương đề xuất, có dự án do Sở Giao thông Vận tải đề xuất.
"Sắp tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố có quy định thống nhất những dự án nào do sở đề xuất thì Sở sẽ theo dõi, đôn đốc thực hiện dự án; dự án nào do quận, huyện đề xuất thì quận, huyện giám sát, đôn đốc thực hiện. Bởi vai trò của người đứng đầu các quận, huyện rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng. Như vừa qua, huyện Hóc Môn tập trung tháo gỡ vướng mắc ở công trình hầm chui An Sương , nhờ vậy dự án đã được đẩy nhanh tiến độ và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27, cho phép UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cơ chế này sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố đang bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện nay.