Nhiều cách làm hay bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông

Đến các địa bàn vùng cao Lào Cai thời điểm này có thể dễ dàng nhìn thấy những cây rơm cao ngất được che chắn cẩn thận, những bạt phơi ngô vàng óng bà con tranh thủ ngày hửng nắng mang ra hong, những chuồng nuôi kiên cố được quây ấm và vệ sinh sạch sẽ... Sau những vụ rét chịu thiệt hại nặng nề về chăn nuôi, giờ đây, nhiều người dân vùng cao Lào Cai không chỉ chủ động tích trữ lương thực, giữ ấm cho gia súc mà còn có những cách làm hay góp phần giảm thiểu gia súc bị chết đói, rét trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Chú thích ảnh
Nông dân xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) di chuyển gia súc xuống vùng thấp tránh rét. 

"Một chuồng nuôi nhốt, một kho rơm"

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên vào mùa đông, việc kiếm nguồn thức ăn cho gia súc là một trong những vấn đề khó khăn ở hầu hết địa phương vùng cao Lào Cai và huyện biên giới Bát Xát cũng không phải là ngoại lệ. Cùng với mô hình trồng thâm canh cỏ voi VA06, mô hình "Một chuồng nuôi nhốt, một kho rơm" đã và đang được thực hiện phổ biến tại địa phương này vài năm trở lại đây và cho thấy hiệu quả phòng chống đói, rét rõ rệt.

Trước kia, cũng như nông dân các địa phương khác, bà con Bát Xát có thói quen đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch xong. Điều này đã gây lãng phí tài nguyên, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, biến đổi thành phần cơ giới của đất. Giờ đây, rơm lại được bà con tận dụng làm thức ăn chăn nuôi vô cùng hiệu quả. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát Lý Khánh Lâm cho biết, với số lượng đại gia súc khá lớn trên 21.000 con, để tăng cường dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát đã ban hành văn bản chỉ đạo nhân dân không đốt rơm rạ để dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. 

Thực hiện mô hình này, ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa, nông dân chủ động những ngày có nắng, phơi khô rơm rồi cất trữ trong kho hoặc trên gác mái các chuồng trại đảm bảo đủ nguồn thức ăn quan trọng cho trâu, bò trong mùa đông với lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên.

Với 2 con trâu và 1 con nghé con, mặc dù chưa vào mùa đông, nhưng gia đình bà Phàn Tả Mẩy, thôn Tả Suối Câu, xã A Lù, huyện Bát Xát đã chủ động dự trữ rơm rạ, trồng cỏ voi và sửa chữa, gia cố lại chuồng trại để đảm bảo cho phòng chống rét cho đàn gia súc.

Nhớ lại nhiều năm trước đây gia đình bà cũng như một số hộ trong thôn vẫn thả rông trâu, bò lên rừng, khi trời rét gia súc không kịp về nên bị đói, chết rét trong rừng. Giờ đây, được chính quyền xã tuyên truyền, vận động gia đình bà đã chủ động dự trữ trên 400kg rơm rạ, trồng 400m2 diện tích cỏ voi để làm thức ăn cho trâu trong mùa đông, bởi đây tài sản lớn đối với gia đình. Đồng thời bà gia cố, quây chuồng lại cho chắc chắn, đảm bảo đàn trâu nhà mình không bị chết rét và bị ốm đau.

Bà Mẩy cho biết: “Hằng năm gia đình thu lúa xong thì gom hết rơm lại, rơm để trên gác mái chuồng vừa giúp giữ ấm và làm thức ăn cho trâu. Lúc nào nhiệt độ xuống dưới 0 độ thì lót rơm ở sàn để giữ ấm".

Chú thích ảnh
Nông dân xã A Lù (Bát Xát, Lào Cai) chăm sóc đàn gia súc.

Ông Sùng A Khứ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A Lù cho biết, hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã A Lù có gần 1.500 con. Để chủ động phòng, chống đói, rét trong mùa đông năm nay, xã đã cử cán bộ xuống các bản tuyên truyền, vận động nhân dân không thả rông gia súc khi thời tiết lạnh giá dưới 12 độ C, đồng thời trực tiếp hướng dẫn bà con cách che bạt chắn gió, gia cố, sửa chữa chuồng trại, cách chăm sóc, sưởi ấm, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đến nay, toàn xã có trên 80% hộ gia đình có chuồng trại kiên cố, 100% gia đình dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo cán bộ thú y đến từng hộ gia đình để vận động người dân tham gia tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc.

Chủ động bảo vệ nguồn sinh kế

Chăn nuôi lợn đen, bò là nguồn sinh kế của nhiều gia đình ở xã biên giới Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương và là 2 trong 4 ngành hàng chủ lực của địa phương. Hiện, toàn xã có tổng đàn lợn với 2.324 con; đàn bò 796 con.

Với một thôn mà diện tích đất nông nghiệp và đất sinh hoạt rất hạn hẹp như Lao Tô Chải, ngoài trồng lúa và ngô một vụ, người dân không còn nghề phụ nào khác thì chăn nuôi gia súc hàng hóa là một hướng đi hiệu quả để bà con phát triển kinh tế. Ở đây, hầu hết các hộ đều nuôi lợn, bò, nhà ít thì một vài con, nhiều thì khoảng chục con. Do đó, người dân đã hình thành thói quen chủ động bảo vệ nguồn sinh kế của gia đình từ sớm.

Đối với gia đình bà Giàng Tờ Sín - hộ nuôi bò đã được nhiều năm nay ở thôn Lao Tô Chải thì đàn bò là một tài sản lớn giúp gia đình xóa đói, giảm nghèo. Mùa rét đến, mỗi người trong nhà đều có trách nhiệm thay nhau chăm sóc cho hàng chục con bò, thay nhau nấu cám, cho ăn, dọn vệ sinh chuồng trại và củi đề phòng trường hợp có băng phải đốt lửa sưởi ấm cho bò.

Bà Giàng Tờ Sín cho biết, mùa đông đến, gia đình không chăn thả gia súc trên nương mà được nuôi nhốt trong chuồng. Thức ăn chính là rơm khô được dự trữ từ vụ mùa, đồng thời bổ sung thêm cám ngô, nước muối loãng để tăng sức khỏe cho đàn gia súc.

Chú thích ảnh
Nông dân xã A Lù (Bát Xát, Lào Cai) tích trữ rơm trên gác mái chuồng trại để giữ ấm và đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc trong mùa rét.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, con trâu, con bò đối với bà con vùng cao vẫn là tài sản lớn, có giá trị cao. Vì vậy, địa phương đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trồng một số rau, cỏ để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Khi những đợt rét đậm đầu tiên xuất hiện, cán bộ xã tiếp tục tăng cường xuống cơ sở, khuyến cáo các hộ nuôi không được chủ quan, lơ là; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét và bảo vệ đàn vật nuôi.

Đàn đại gia súc trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có trên 12.000 con; trong đó gần 9.000 con trâu, trên 3.000 con bò, số còn lại là ngựa. Đây là những vật nuôi dễ bị chết do đói và rét. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động đến nay số hộ có chuồng trại nuôi nhốt gia súc hiện đã chiếm trên 95%; trong đó nhiều hộ xây chuồng trại kiên cố để bảo vệ đàn vật nuôi trước mưa rét. Cơ bản các hộ đã có thức ăn dự trữ cho đại gia súc với 99,81%. Việc triển khai sớm và chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi sẽ hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất và chăn nuôi trong mùa đông năm nay.

Bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, người nông dân Lào Cai được trang bị những kiến thức, kỹ thuật cần thiết để bảo vệ đàn gia súc trước sự biến đổi bất thường của thời tiết. Tuy vậy, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, mùa Đông Xuân 2023-2024, dự báo địa phương vẫn sẽ có trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại, mưa tuyết, sương muối gây ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động toàn hệ thống chính trị làm tốt tuyên truyền để lan tỏa tinh thần phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Thành công, bài học kinh nghiệm từ những giải pháp trong phòng chống rét những năm qua là cơ sở để Lào Cai tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giúp nông dân bảo vệ khối tài sản lớn của gia đình mình, đảm bảo cho ngành chăn nuôi địa phương phát triển an toàn và bền vững.

Bài và ảnh: Hương Thu (TTXVN)
Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc
Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, qua thống kê, dự báo địa phương sẽ có trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN