Nhà vệ sinh trường học, nỗi sợ hãi của học sinh

Hệ thống nhà vệ sinh các trường học trên địa bàn Thủ đô vẫn đang trong tình trạng quá tải và... mất vệ sinh; nhiều nơi đã trở thành sự sợ hãi của học sinh và nỗi lo của các bậc phụ huynh.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ chính mà ngành giáo dục Hà Nội  đặt ra trong năm học 2016-2017 là rà soát lại hệ thống nhà vệ sinh để có phương hướng cải tạo, xây mới.  


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội, hiện có khoảng 2.700 nhà vệ sinh của 2.622 trường học ở các cấp chưa đạt chuẩn. Nhiều nhà vệ sinh hư hỏng, các hạng mục như trần, tường, đường ống nước xuống cấp, nhà vệ sinh bốc mùi…

Ám ảnh mùi xú uế


Sáng nào chị Thu Hoài (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gọi cô con gái 8 tuổi dậy sớm và đi vệ sinh, có khi phải chờ 30 phút để con được đi “nặng”, chị mới yên tâm làm các việc khác. “Con tôi học tại một trường công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy. Mang tiếng là trường ở ngay giữa Thủ đô, nhưng nhà vệ sinh thì bốc mùi, giấy vệ sinh vứt tung tóe. Ngay từ khi học lớp 1 cháu đã sợ đi vệ sinh và nói nhà vệ sinh như trong “Halloween” vậy; nên cháu hạn chế uống nước và nhịn đi “nhẹ” tại trường”.

Nhà vệ sinh tại một trường học của huyện Mê Linh, Hà Nội.

Tình trạng này cũng xảy ra ở một số trường tại quận Hoàn Kiếm ở trung tâm thành phố. Cháu Nguyễn Thu Hoài, học sinh một trường THCS cho biết: “Lên đến cấp II rồi nhưng cháu vẫn không thoát được nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bẩn. Đừng nói đến xà phòng rửa tay hay giấy vệ sinh, mà nước nhiều khi còn không có để xả. Mỗi lần đi vệ sinh xong phải nhịn thở để đi ra”.

Một giáo viên ở trường tiểu học quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Một trong những nỗi lo đầu năm học là sợ bị xếp vào phòng học gần nhà vệ sinh. Mùi khai, xú uế bốc ra khiến có lúc tôi phải kêu ca với ban giám hiệu”.

Hiểu “nỗi niềm” này, nhưng cả nhà trường và phụ huynh đều không có giải pháp trước thực trạng chung. Bởi với quy mô phổ biến trong các trường là trên dưới hàng nghìn học sinh, khu vệ sinh chưa bao giờ đáp ứng theo chuẩn của Bộ Y tế: Đó là cứ 100 học sinh là 1 chậu xí thì mới đảm bảo được sức khỏe cho học sinh.

Ở thành phố đã vậy, nhưng ở những vùng ngoại thành Hà Nội, tình trạng nhà vệ sinh còn khủng khiếp hơn. Tại Trường Tiểu học Tự Lập, huyện Mê Linh, nhà vệ sinh còn không có nước. Hiệu trưởng Vũ Thị Thủy cho biết, trường đã có tờ trình gửi các cấp quản lý để xin kinh phí tu sửa hệ thống cơ sở vật chất nói chung, trong đó có khu nhà vệ sinh; nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.

Kém xa với chuẩn


Đầu năm học 2016-2017, Hà Nội đã rà soát lại hệ thống nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn Thủ đô. Tổng số trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố là 2.622 trường. Nhưng chỉ có 2.423 trường có nhà vệ sinh. Như vậy, còn khoảng hơn 8% số trường học chưa có nhà vệ sinh phục vụ giáo viên và học sinh.

Còn nếu chiếu theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học, thì số lượng nhà vệ sinh trường học còn thiếu rất nhiều. Như đối với cấp trung học, yêu cầu thiết kế được quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam ban hành năm 2011, khu vệ sinh của học sinh cần có diện tích tối thiểu 0,06 m2/học sinh. Số lượng thiết bị tối thiểu tương ứng là một tiểu nam, một chậu xí và một chỗ rửa tay cho 30 học sinh nam; với nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí.

Nhìn từ góc độ giáo dục, nhiều giáo viên cho rằng, tuy là công trình phụ, nhưng nhà vệ sinh lại là nỗi lo chính của hàng nghìn phụ huynh học sinh, và trở thành nỗi lo chính của ngành giáo dục Hà Nội. Thực tế, tình trạng nhà vệ sinh trường học xuống cấp đang tác động tiêu cực tới tâm lý, sức khỏe học sinh. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: “Vấn đề nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp có một phần trách nhiệm của quản lý nhà trường. Vì nếu quan tâm đã không để trong tình trạng như vậy. Nên chăng, ngành giáo dục đưa vào tiêu chí đánh giá nhà trường về chuẩn mực môi trường sư phạm”.
Lê Vân - Duy Anh
2.600 nhà vệ sinh trường học tại Hà Nội cần sửa chữa
2.600 nhà vệ sinh trường học tại Hà Nội cần sửa chữa

Đến thời điểm này, thống kê cho thấy có trên 2.600 nhà vệ sinh cần sửa chữa với mức đầu tư trung bình khoảng 100 triệu đồng/nhà vệ sinh. Số liệu thống kê cho thấy hàng nghìn thiết bị hỏng, xuống cấp cần thay mới, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN