Nhà báo Thanh Phong: Một thời lửa đạn

Tôi gặp nhà báo Thanh Phong lần đầu tiên vào đầu năm 1972, trước thời điểm tổng tiến công tại mặt trận Quảng Trị. Sau Tết nguyên đán năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi, những phóng viên TTXVN tăng cường cho mặt trận, vượt sông Hiền Lương vào đất Gio Linh. Chúng tôi theo giao liên về Gio Lễ. Tại đấy, chúng tôi gặp anh Thanh Phong, trưởng phân xã TTXGP tại Quảng Trị cùng các anh em ở phân xã .

Nhà báo Thanh Phong.

Tôi nhớ mãi nụ cười cởi mở, rất hiền khi anh giang tay ôm từng người chúng tôi. Tình đồng nghiệp, tình cơ quan ở nơi tuyến lửa thật gần gũi, ấm cúng, dù mới gặp nhau lần đầu mà không có một khoảng cách nào. Tôi rất ấn tượng với gương mặt rất từng trải, xạm đen nhưng đôi mắt luôn ánh lên niềm vui, rất chân thật, tin cậy. Khi ấy tôi đã có ý nghĩ, ở nơi gian khó này, những người như anh thật sự là chỗ dựa cho lớp trẻ chúng tôi. Ý nghĩ ấy về anh không thay đổi trong tôi mãi đến những năm sau này.

Ngay đêm đầu tiên trên đất Quảng Trị, cùng anh Thanh Phong và mọi người, chúng tôi đã được thử lửa với những trận pháo kích từ tàu biển Mỹ bắn vào. Pháo bắn suốt đêm vào khu vực phân xã bám trụ. Nhiều quả nổ sát cạnh gầm kèo, mảnh đạn xé gió bay ngang qua cửa. Ai từng ở chiến trường đều hiểu sự nguy hiểm, dai dẳng của pháo biển. Cái chết rình rập trong nhiều giờ liền, khác với những đợt bom toạ độ chủ trong phút chốc. Sự bình thản của anh Phong và các đồng nghiệp phân xã giúp chúng tôi mau quen với không khí chiến trường hơn.

Nhà báo Thanh Phong (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp trong thời gian chiến tranh.

Lần ấy, với sự giúp đỡ của phân xã, chúng tôi có chuyến công tác đầu tiên về xã Gio Mỹ, chụp ảnh và viết về những đội viên du kích dưới chân đồi 31. Tôi còn viết "Lá thư từ khu tập trung" viết về cuộc sống của người dân trong khu tập trung Quán Ngang. Rất tình cờ, khi ngồi nói chuyện với anh Thanh Phong sau khi trở về phân xã, tôi biết quê anh ở ngay thôn Nhĩ Hạ, Gio Mỹ. Nhiều người thân trong gia đình anh bị đưa vào khu Quán Ngang và phiêu dạt đi những nơi khác trong các chiến dịch dồn dân lập ấp, xây dựng vành đai điện tử của chính quyền Sài Gòn .

Qua câu chuyện, tôi hiểu thêm về cuộc đời anh, người đồng nghiệp lớn tuổi. Anh Thanh Phong rời quê hương đi bộ đội năm anh mới 16 tuổi. 19 tuổi anh ra Bắc tập kết, chuyển ngành, đi học. Sau khi tốt nghiệp khoa chính trị, Đại học Sư phạm Hà Nội, anh trở thành phóng viên của TTXVN. Năm 1965, anh quay lại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa làm phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất và liên tục bám trụ ở đây. Gia đình anh có 7 anh chị em thì đã có ba người là liệt sĩ. Mẹ anh cũng hoạt động cách mạng, từng bị địch bắt vào tù... Câu chuyện cuộc đời rất chân thực và bình dị ấy giúp tôi hiểu vì sao anh Thanh Phong có sự gắn bó máu thịt tự nhiên với mảnh đất quê hương như vậy.

Sau lần ấy, những ngày tháng ác liệt sống và làm việc tại Quảng Trị, chúng tôi mau chóng hiểu nhau và ngày thêm gắn bó. Khi anh em phân xã B Vĩnh Linh- Phạm Hoạt, Lam Thanh, Minh Trường, Xuân Lâm, Hồ Bích Sơn, Phạm Tài Nguyên... hành quân tác nghiệp theo các hướng chiến dịch, phân xã Quảng Trị là cơ sở, là điểm tựa cho mỗi chuyến đi, cùng nhau giúp đỡ, gắn bó, hết lòng vì công việc chung. Chúng tôi đã cùng nhau làm tốt các đợt thông tin lớn về giải phóng Đông Hà, thị xã Quảng Trị, cả vùng đồng bằng Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng...; sau đó là các chiến dịch bảo vệ thành cổ, chống phản kích, bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng.

Nhà báo Thanh Phong (giữa) và các đồng nghiệp một thời hoa lửa.

Tôi đã có nhiều dịp đi cùng anh Thanh Phong trên các địa bàn, những chuyến công tác với những kỷ niệm không quên. Đáng nhớ nhất là lần hai anh em thoát chết khi lọt vào giữa bom B52 ở Gio Linh. Rồi những chuyến hành quân vào Đông Hà, thị xã Quảng Trị giải phóng..., những ngày nhiều hiểm nguy nhưng không thiếu những chuyện vui trong những ngày gian khó ác liệt nhất.

Sau năm 1972, như có duyên, tôi còn có nhiều dịp quay lại Quảng Trị và làm việc cùng anh Thanh Phong. Năm 1973, anh Thanh Phong, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, các phóng viên Trần Thị Kim Quy, Đỗ Tráng, Mai Văn Minh và tôi cùng nhau làm việc khi hiệp định Paris ký kết, thực hiện ngừng bắn và trao trả tù binh ở bên sông Thạch Hãn. Năm 1974, tôi lại được tăng cường cho Vĩnh Linh, có dịp qua cầu Hiền Lương, làm việc anh và anh chị em phân xã ở gần thị xã Đông Hà. Năm 1975, khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi lại có những ngày gần anh khi chuẩn bị theo các cánh quân vào các thành phố Huế, Đà Nẵng. Cơ sở của phân xã Quảng Trị trở thành hậu cứ cho đoàn phóng viên mặt trận trong thời kỳ đầu chiến dịch trước khi chuyển vào Huế.

Nhớ về những năm tháng nặng ân tình ấy, trong tôi luôn có có hình ảnh của nhà báo, phân xã trưởng Nguyễn Thanh Phong. Một con người trưởng thành từ máu lửa của kháng chiến, gắn bó với cách mạng, với quê hương. Một nhà báo giàu kinh nghiệm, tâm huyết, xông xáo, tận tuỵ với nghề, với ngành và bạn bè đồng nghiệp.

Anh chị Thanh Phong (ngồi hàng đầu) cùng các con cháu trong gia đình.

Những ngày hoà bình trên quê hương, tôi và nhiều đồng nghiệp có dịp chia vui với anh Thanh Phong. Năm 1973, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Nguyệt, huyện đội phó huyện đội Gio Linh, một người nữ chỉ huy tài giỏi và xinh đẹp nổi tiếng trên vành đai điện tử. Sau này, chị làm Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên trước khi cùng anh chuyển công tác vào Khánh Hoà, nơi anh làm trưởng Phân xã TTXVN cho đến khi nghỉ hưu. Tình yêu của họ bắt nguồn trong những năm khói lửa trên quê hương Quảng Trị, đơm hoa kết trái trong hoà bình. Tôi đã có dịp vào Nha Trang, đến thăm ngôi nhà nhỏ nhiều nắng gió của anh chị. Họ đã có ba người con, hai gái, một trai. Các cháu đều thành đạt, có gia đình riêng. Anh chị đã có 6 cháu nội ngoại. Cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Nhớ lắm anh Thanh Phong! Những năm tháng không thể nào quên trong gian khó ác liệt, được cùng anh và bạn bè đồng nghiệp chia sẻ mọi hiểm nguy thử thách, những năm tháng luôn theo mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời! Mong làm sao một ngày về lại bên sông Hiếu như ngày nào, cùng anh đi bộ trên con đường đất nhỏ, dưới bóng tre xanh, chia sẻ những suy nghĩ cuộc sống và con người cùng những mong ước khi cuộc sống thanh bình!

Tôi viết những dòng này khi nhà báo Nguyễn Thanh Phong, ở tuổi 83, đang trên giường bệnh! Cầu mong anh qua khỏi và có những ngày tháng bình yên bên chị Nguyệt và những người thân yêu trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp!

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Một phóng viên TTXVN bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại Yên Bái
Một phóng viên TTXVN bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại Yên Bái

Sáng 11/10, mưa to, nước lũ chảy xiết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã làm sập cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ,tỉnh Yên Bái), khiến 5 người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên TTXVN đang tác nghiệp tại hiện trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN