Nguy cơ từ các cây xăng

Hà Nội có gần 500 điểm bán lẻ xăng dầu mà nhiều khi lại nằm ngay trong các khu vực đông dân cư. Điều này cho thấy, quy hoạch các điểm bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ của cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc tại các cây xăng cũng như ý thức của người dân.

Quy hoạch lạc hậu


Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, thành phố hiện có hơn 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ hàng triệu lít mỗi ngày. Tuy nhiên, các cửa hàng xăng dầu lại phân bố không đều tại khu vực các quận nội thành, trong số này, đa phần các cửa hàng nằm sát đường phố, khu vực đông dân cư. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và trở thành các điểm nóng về ùn tắc giao thông.


Cây xăng số 1 Trần Quang Khải, một trong số ít cây xăng nằm xa khu dân cư hiện nay. Ảnh: Tiến Hiếu


Trước những bất cập về công tác PCCC hiện nay, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết, theo quy định về vị trí của các cây xăng, thì các cây xăng phải được lắp đặt xa khu dân cư với khoảng cách giới hạn an toàn nhất định. Theo tiêu chuẩn thiết kế được quy định với những trạm xăng dầu, khoảng cách từ các trạm xăng tới khu vực tụ tập đông người tối thiểu là 100 m, cách các công trình dân dụng 10 m, cách các công trình công cộng 50 m, nếu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác thì phải có tường bao chống cháy cách ngăn cao trên 2,2 m. Nếu chiếu theo đúng các tiêu chuẩn này, hầu hết các cây xăng ở Hà Nội hiện nay đều không đáp ứng.


Tại không ít cuộc họp tổ dân phố của các phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn CôngTrứ (quận Hai Bà Trưng), Khâm Thiên (quận Đống Đa), Lê Đức Thọ (quận Cầu Giấy), Cống Vị (quận Ba Đình)…, người dân kiến nghị với các cấp chính quyền cần sớm phải di dời các cây xăng tại các khu dân cư nhưng việc này vẫn là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, trong khi nguy cơ “bà hỏa” thì vẫn luôn rình rập.


Theo một lãnh đạo UBND phường Nguyễn Công Trứ, có tình trạng các cây xăng nằm trong các khu dân cư là do hầu hết các cây xăng đã được xây dựng từ nhiều năm trước đây, có khi lên tới vài chục năm. Thời điểm đó, mật độ dân cư chưa đông như hiện nay. Nhưng càng về sau này, cùng với việc dân số ở Hà Nội tăng lên thì đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân “vây” xung quanh các điểm bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, phương án di dời dân cư hoặc di dời các cây xăng nhưng Hà Nội chưa triển khai di dời được là do thiếu điều kiện về kinh phí, đất đai.


Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết sẽ tham mưu cho thành phố và Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra toàn diện số cửa hàng kinh doanh xăng dầu hiện có, kiên quyết giải tỏa những cây xăng không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

 

Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ


Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp kinh doanh phải kiểm soát chặt chẽ quy trình an toàn phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, cần lưu ý giảm thiểu thấp nhất lượng hơi xăng dầu phát thải ra môi trường trong quá trình xuất, nhập xăng dầu. Theo một chuyên gia trong ngành xăng dầu, trước đây, tại các cửa hàng xăng dầu, nếu chưa lắp đặt hệ thống thu hồi hơi thì mỗi lần nhập hàng từ ô tô vào cửa hàng, lượng hơi xăng dầu bốc ra ngoài nhiều. Trong khi đó, hiện nay, tại nước ta mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là một đơn vị duy nhất đã triển khai lắp đặt hệ thống thu hồi hơi tại tất cả các điểm bán xăng để đảm bảo an toàn cho môi trường và an toàn cháy nổ. Theo đó, tất cả hơi xăng dầu thoát ra sẽ được thu hồi lại và xe xitéc chứa xăng. Ngoài ra, Petrolimex còn đầu tư đồng bộ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy...


Cùng với việc di dời các cây xăng không đảm bảo an toàn, các biện pháp phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp thì quan trọng khác là phải nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ của người dân. Hiện nay, tại các cây xăng đều có gắn biển “Khu vực không được sử dụng điện thoại” và hành vi vi phạm này phải chịu mức phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn nghe, gọi điện thoại tại các cây xăng do mức phạt như quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe và công tác tuyên truyền cho người dân còn yếu.


Cháy nổ mà đặc biệt là cháy nổ xăng dầu không chỉ là tai nạn đơn thuần mà là một thảm họa của xã hội. Do đó, việc di dời các cây xăng không đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức của doanh nghiệp và mọi người dân là hết sức quan trọng và cần thiết.



Nguyễn Tiến - Thu Hường

Quy hoạch các trạm xăng ở Hà Nội không còn phù hợp

Trong những ngày qua, người dân Thủ đô vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ cháy cây xăng gần cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Dư luận cho rằng việc đặt các trạm xăng quá gần khu dân cư, bệnh viện là một bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN