Vì thế, phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư đang trở nên ngày càng bức thiết và cần nhận được sự quan tâm đúng mức hơn của các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức của người dân đô thị. Thực trạng đáng báo động là vậy, song thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy đối với mô hình này đang bộc lộ rất nhiều khó khăn, bất cập.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ tại khu dân cư
Tình hình cháy nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người. Trong đó có một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như: vụ cháy nhà dân tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng) vào ngày 5/4/2017, làm 3 người chết; vụ cháy tại số nhà 37 (đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng vào ngày 13/7/2017; vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo vào sáng 29/7/2017 ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm chết 8 người, bị thương 2 người...
Mới đây là vụ cháy trên xảy ra vào khoảng 17h50 ngày 17/9/2018 tại đường Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội, ngay gần Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo ghi nhận tại hiện trường, đám cháy xảy ra ở khu vực có mật độ dân cư lớn, nhiều ngõ sâu nên lực lượng chữa cháy khó có thể tiếp cận gần hiện trường. Việc triển khai dập lửa gặp khó khăn do các nhà lân cận đều lợp mái tôn trên tầng thượng, có nhiều hệ thống, vật liệu bén lửa dẫn đến dễ cháy lan sang các nhà kế bên. Dù lực lượng chức năng đã nhiều nỗ lực trong chữa cháy, nhưng vụ việc đã làm 19 căn nhà bị cháy.
Vụ cháy trên đường Đê La Thành là thí dụ điển hình cho nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư hiện nay. Theo rà soát của UBND các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, cửa hàng tiện ích... xây dựng không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, diện tích nhỏ từ 20m2 - 100m2. Nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau không dảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói dẫn đến khi có cháy xảy ra, ngoài gây thiệt hại lớn về tài sản, còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người do không thể thoát nạn được.
Đối với nhà dân vừa kết hợp kinh doanh vừa để ở thì điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp; nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy. Ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn thấp dẫn đến tình trạng vi phạm gây mất an toàn phòng cháy và chữa cháy. Để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà, khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra không thể thoát nạn nhanh chóng, kịp thời và gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa mất khả năng cách điện; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém; bố trí lắp đặt các thiết bị bảo vệ và tiêu thụ điện, đường dây dẫn điện; hệ thống chiếu sáng để gần nơi để vật liệu dễ cháy... cũng là những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hỏa hoạn.
Trong công tác phòng cháy, chưa cháy, vẫn còn tình trạng dụng cụ, phương tiện chữa cháy thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; người sử dụng phương tiện không biết hoặc chưa thành thạo trong vận hành phương tiện chữa cháy. Chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn, không nghiên cứu giả định các tình huống cháy, nổ và có phương án thoát nạn cho gia đình trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, về giao thông, phần lớn các tuyến đường vào các khu dân cư đều hẹp, dài, chỉ có khoảng 19% diện tích đường có chiều rộng trên 12m có thể triển khai xe chữa cháy thuận lợi; 35% diện tích đường có chiều rộng 7- 12m có thể cho các loại xe nhỏ lưu thông; 46% diện tích đường còn lại chỉ có thể dùng cho các phương tiện xe 2-3 bánh lưu thông. Do đặc điểm kiến trúc từ trước đến nay, tại các khu vực dân cư đông đúc, đường ra vào rất nhỏ hẹp và uốn khúc nên xe chữa cháy không thể vào bên trong khu vực xảy ra cháy. Mặt khác, tại các khu dân cư tập trung trong hẻm sâu, thiếu nước thì hầu như chưa được chú trọng trong việc đầu tư xây dựng trụ nước và bể nước dự trữ chữa cháy.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ các thực trạng trên, có thể thấy tình trạng an toàn cháy nổ ở khu dân cư, hộ gia đình chưa được thống kê, điều tra chính xác, toàn diện; điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều hạn chế, thiếu sót; tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, khi cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy gây rất nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
"Thực sự chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu, đồng bộ, căn cơ để phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình này", Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nói. Bên cạnh đó, các văn bản pháp quy, văn bản điều chỉnh về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, chưa cụ thể khiến việc kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trong khi thực tế, đa phần các chủ hộ gia đình khi xây dựng đều không tuân thủ theo thiết kế được cấp phép, nhiều trường hợp sau khi hoàn công trình xây dựng đã cố tình cải tạo, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, kết hợp kinh doanh mà không chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ gia đình cũng chưa được xem xét, kiểm tra, đánh giá đến các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định...
Cháy nổ do sự cố điện - người dân còn chủ quan
Ông Đại Ngọc Giang, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo thống kê các vụ cháy nổ xảy ra hầu như đến từ sự cố về điện, chiếm trên 50% nguyên nhân xảy ra sự cố. Thực tế các vụ cháy phát sinh từ chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan của người sử dụng điện, xây lắp điện trong nội bộ một cơ sở, nhà ở và việc này nằm ngoài phạm vi quản lý, kiểm soát của ngành điện. Các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho tàng xen kẽ khu dân cư chưa kiểm soát chất lượng thiết bị điện, câu móc điện, kéo điện bằng dây dẫn không đúng tiêu chuẩn dẫn đến phát nhiệt, quá tải gây chập...
"Các khó khăn, tồn tại kể trên, ngành điện không thể giải quyết được do không có thẩm quyền và lực lượng để kiểm tra, kiểm soát" - ông Đại Ngọc Giang nói, đồng thời nhấn mạnh, việc ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ do sử dụng điện phải bắt nguồn từ giải pháp căn cơ "phòng bệnh hơn chữa bệnh", mọi người cần có ý thức cao hơn về việc phòng chống cháy nổ trong nhà mình, đặc biệt là phòng chống sự cố liên quan đến an toàn điện.
Ngành điện đề nghị lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thống kê, phân loại cụ thể các dạng nguyên nhân gây cháy nổ trong quá trình sử dụng điện không an toàn như: do yếu tố kỹ thuật, do sử dụng điện bất cẩn; do thiết bị không đảm bảo chất lượng; do vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy... để từ đó có giải pháp cụ thể cho từng dạng nguyên nhân. Bên cạnh đó, phân loại nhóm ngành, mặt hàng kinh doanh đối với các nhà ở, hộ gia đình có kết hợp kinh doanh để có các quy định cụ thể đối với việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trước tình hình mất an toàn cháy nổ thời gian qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã kiến nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư và Đề án thành lập Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.