Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo. |
Ngoài ra, hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị về việc thẩm định an toàn công trình, trang bị hệ thống chữa cháy thông minh cũng như chia sẻ các giải pháp tích hợp an ninh, an toàn cho các toà nhà.
Theo bà Mary Tarnowka Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, do đô thị hoá nhanh nên TP Hồ Chí Minh cũng như các nước ASEAN đang chứng kiến việc di dân từ các địa phương khác đổ về, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và nhu cầu nhà ở. Vì thế việc đảm bảo an toàn cho ngôi nhà, văn phòng, không gian công cộng không thể thiếu và cần thiết có những chương trình giám định an toàn chất lượng công trình cũng như ứng dụng công nghệ mới nhất cho các toà nhà thông minh.
“Vụ cháy chung cư Carina Plaza quận 8, TP Hồ Chí Minh đã gây sự chú ý của dư luận quốc tế với sự chia sẻ đau buồn, mất mát với người dân. Sự kiện này đặt ra vấn đề cần có các phòng ngừa tổn thất bằng cách đầu tư nhiều hơn nữa hoạt động huấn luyện an toàn, chương trình thẩm định và thực thi các quy định pháo luật. Mặt khác, để toà nhà trở nên an toàn hơn không chỉ từ việc thực thi chặt chẽ công tác thẩm định an toàn mà cần phải xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp được quốc tế công nhận, từ đó sẽ tạo tiền đề cho những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và sản phẩm mới”, bà Mary Tarnowka khuyến nghị.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho rằng, sẽ không có thành phố thông minh nếu không có toà nhà và công trình thông minh, đảm bảo an toàn về PCCC. Muốn vậy, cần có sự chung tay của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, người dân và cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có lực lượng PCCC.
Cùng với đó, chủ đầu tư các toà nhà cần lựa chọn công nghệ PCCC hiện đại, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát thi công có đầy đủ năng lực, hướng đến việc sử dụng vật liệu chống cháy. Đặc biệt cần trang bị hệ thống báo cháy thông minh, kết nối đến lực lượng PCCC để thông báo sự cố; trong đó ưu tiên lựa chọn hệ thống chữa cháy tự động có thể cảnh báo để người dân chủ động sơ tán, thoát nạn trước khi có sự tham gia của lực lượng cứu nạn cứu hộ.
Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, tại Việt Nam vẫn còn nhiều công trình xây dựng trước năm 1990 mất an toàn sử dụng trong khi công tác bảo trì, ý thức người sử dụng chưa cao, một số công trình chưa thực hiện tốt đảm bảo an toàn PCCC hoặc thi công không đúng thiết kế. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Công an, đặc biệt là Cảnh sát PCCC trong công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng, rà soát công tác bảo trì hệ thống PCCC đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
“Hiện, Bộ Xây dựng đang triển khai đề án hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó có nhiều nội dung cụ thể về an toàn cháy nổ và đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến và huấn luyện kỹ năng thoát nạn cho người dân tại các toà nhà”, ông Phạm Minh Hà cho biết thêm.