Nguy cơ sạt lở cao ở khu tái định cư Phiêng Sa

Phiêng Sa là một trong những xóm vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Năm 2007, cơn bão số 5 ập vào làm hầu hết nhà sàn của 35 hộ dân nơi đây hư hỏng hoàn toàn. Ngay sau đó người dân ở xóm Phiêng Sa đã được chính quyền xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, di dời về khu tái định cư mới nhằm bảo đảm tính mạng cũng như ổn định đời sống cho nhân dân nơi đây. Tuy vậy, khi di chuyển về khu tái định cư mới chưa bao lâu, kinh tế chưa ổn định thì người dân nơi đây tiếp tục phải đối mặt với nỗi lo sạt lở mới. Hiện tại, người dân hàng ngày vẫn phải chung sống với những hiểm họa sạt lở núi luôn rình dập, nhất là vào thời điểm mùa mưa đang đến gần.

Nhìn từ xa, những ngôi nhà sàn nằm ngay dưới chân núi luôn trong tình trạng "báo động đỏ”. Theo chính quyền sở tại thì có gần 50% số hộ có nguy cơ đất đá sạt lở thẳng vào nhà, nguy hiểm đến tính mạng của gần 200 con người. Ông Vì Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Đồng Bảng, cho biết: Do quỹ đất của xã hạn hẹp nên khi di dời về đây một nửa số hộ dân phải dựng nhà sàn sát sườn núi, nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là vào mùa mưa, họ luôn phải sống trong cảnh lo lắng, cảnh giác cao độ. Chưa an cư thì chưa thể lập nghiệp, cuộc sống của người dân Phiêng Sa càng trở nên khó khăn hơn.

Người dân bên nỗi lo sạt lở đất. Nguồn: baohoabinh.com.vn


Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Bương hiện rất nguy hiểm, một bên chân cột sệ xuống do nền đất bị sạt khiến gia đình ông ăn ngủ không yên. Mỗi lần mưa to gió lớn cả nhà ông phải dìu dắt nhau sang nhà người thân tránh nạn, của cải trong nhà phó mặc cho trời đất. Về đêm, ông không tài nào chợp mắt, chỉ dỏng tai lên để nghe xem có tiếng đất, đá sạt xuống không. Kinh tế gia đình ông ngày càng khó khăn bởi luôn phải sống trong cảnh lo lắng và sợ hãi.

Ông Bương cho biết: "Tưởng khi chuyển về khu tái định cư mới được an toàn, nào ngờ năm ngoái thấy một bên nhà sệ xuống khoảng 40 phân, tôi lo sợ nhà đổ báo chính quyền địa phương và tìm nguyên nhân". Hóa ra do một vết nứt dài trên mặt đất đã làm tụt chân nhà sàn của ông. Hiện ngôi nhà vẫn đang trong tình trạng xiêu vẹo không biết lúc nào sập xuống. Ông rất lo lắng nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên đành chấp nhận sống chung với mối nguy hiểm sạt lở.

Không chỉ riêng gia đình ông Bương mà còn nhiều gia đình trong xóm cũng phải sống trong cảnh lo âu sạt lở thường trực. Ban ngày, người lớn đi làm nhưng luôn ngơm ngớp lo sợ cho lũ trẻ con ở nhà. Thế nên, nhiều gia đình khi đi nương phải gửi con ở những gia đình đầu khu tái định cư với mong được an toàn.

Anh Lò Văn Minh, Phó chủ nhiệm HTX Phiêng Sa cho biết: Khu đất để xây khu tái định cư Phiêng Sa trước đây là vực sâu, chính quyền địa phương lấy đất đồi, núi san lấp để dựng nhà di chuyển chúng tôi đến ở. Việc nứt, trượt nằm ngoài ý muốn, nhưng hiện tại thì đã có một số nhà dân đã xuất hiện những vết nứt, trượt dài hàng chục mét, có nơi cắt ngang giữa nhà, kéo theo cả mảng đất lớn lún xuống, khiến các hộ dân không yên tâm sinh sống và sản xuất.

Mùa mưa đang đến gần, những ngôi nhà sàn nằm sát vực đang xuất hiện những vết nứt, trượt dài hàng chục mét, có nơi đất tụt lún xuống khoảng 30cm. Hậu quả sẽ ra sao khi thời tiết ngày một bất thường, mưa kéo dài, hiện tượng sạt lở xảy ra thì 200 con người nơi đây liệu có thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”? Câu hỏi mong chính quyền tỉnh Hòa Bình xem xét, sớm triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, để người dân tái định cư Phiêng Sa yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế.

TTXVN/ Tin Tức
Tiếp tục sạt lở gây ách tắc giao thông đường tạm quốc lộ 6

Theo Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng 222, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 22/3, tại km 138+750 khu vực xóm Phiêng Sa, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tiếp tục sạt lở khoảng 2 vạn m3 đất đá, lấp toàn bộ đường tạm quốc lộ 6 hướng Hòa Bình - Sơn La.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN