Đi tìm ông tổ nghề rèn Bài 1:

'Người thần' chế tạo 'nỏ thần'?

Người sáng tạo “Kim quang thần nỗ”


Nhiều thư tịch cổ (ở cả Trung Quốc và Việt Nam) khi viết về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của quân dân Âu Lạc do An Dương Vương là tổng chỉ huy đều nhắc đến một “người thần” là tướng Cao Lỗ đã làm “nỏ thần bắn một phát giết được muôn người” cho An Dương Vương. Về “nỏ thần”, tuy các thư tịch không chép chính xác về khả năng sát thương, nhưng đều cho thấy đây là loại vũ khí kỳ bí và có hiệu quả sát thương cao.


Đền thờ Cao Lỗ.


Thậm chí trong khi các thư tịch Việt ghi chép có phần “thận trọng” thì các thư tịch Trung Quốc đều ghi chép theo xu hướng phóng đại về sức mạnh của cây “nỏ thần” này. Giao Châu ngoại vực ký ghi: Nỏ thần, bắn một phát giết chết 300 người; hoặc Thái Bình hoàn vũ ký ghi: Nỏ thần bắn một phát giết chết quân Việt (chỉ quân của Triệu Đà) hàng vạn người, bắn ra ba phát giết đến ba vạn... Trong dân gian thì cây nỏ còn mang uy lực sức mạnh siêu nhiên: “Chỉ sông sông cạn/ Chỉ ngàn ngàn tan”.


Những ghi chép của thư tịch Trung Quốc và Việt Nam kết hợp thêm với các truyền thuyết dân gian sưu tầm tại vùng Cổ Loa, cho biết về một nhân vật có nhiều tên gọi khác nhau: Cao Lỗ, Cao Thông hoặc Đô Lỗ, Thạch Thần đã tham gia vào hàng ngũ tướng lĩnh của vua An Dương Vương. Với tài năng khéo léo và khả năng sáng tạo của mình, Cao Lỗ đã cùng quân lính tích cực xây dựng thành Cổ Loa trở thành một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ vương triều An Dương Vương. Đặc biệt, Cao Lỗ đã chế tạo ra một vũ khí có khả năng sát thương cao, khiến kẻ thù khiếp sợ và từ đó nảy sinh âm mưu, tìm mọi thủ đoạn để giành được loại nỏ thần quý báu này. “Có vẻ như” nỏ - là loại vũ khí bắn tên, đánh xa nhưng phù hợp cho việc phòng thủ hơn là cung - cũng là loại vũ khí bắn tên, đánh xa nhưng phù hợp hơn với tấn công của kị binh. Tên gọi của “nỏ thần” do “người thần” Cao Lỗ làm ra cũng được chép với những mỹ từ như: Kim quang (ánh sáng của thép) linh trảo (cái móng/lẫy linh thiêng) thần nỗ (nỏ thần), hoặc là Kim quang thần nỗ.


Nhờ có vũ khí lợi hại (và hiện đại), có thành Cổ Loa kiên cố và nhất là có sự đồng lòng trên - dưới, quân - dân nên Âu Lạc đã đứng vững trước nhiều cuộc xâm lược của Triệu Đà. Về sau, do sai lầm của An Dương Vương, cậy vào vũ khí, chủ quan khinh địch, bạc đãi các công thần (như Cao Lỗ, Nồi Hầu)… khiến cho sức chiến đấu của quân dân Âu Lạc suy yếu. Mất cảnh giác hơn, An Dương Vương lại kết thông gia với Triệu Đà, cho Trọng Thủy sang ở rể. Cách thức bố phòng ở kinh thành Cổ Loa, tổ chức quân đội cũng như bí mật về vũ khí của quân đội Âu Lạc đã bị Trọng Thủy đánh cắp khiến cho Triệu Đà chỉ tấn công (lại) một lần đã thôn tính được Âu Lạc. Bài học đau xót đó không chỉ của hơn hai ngàn năm trước mà còn mang giá trị cho muôn đời.


... được nhiều nơi thờ phụng


Nhiều nguồn tư liệu thư tịch cũng khẳng định nơi thờ chính và lăng mộ của tướng quân Cao Lỗ ở làng Đại Than (nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Tư liệu lưu trữ tại trường Viễn Đông Bác cổ (sưu tầm năm 1938) cho biết : Có 5 làng vẫn còn Thần tích và thờ Cao Lỗ vương là các xã/thôn: Đại Than, Văn Than, Mỹ Lộc, Tiểu Than và Kênh Phố.


Đến nay còn thấy lăng mộ và đền Cao Lỗ (xây khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn) tọa lạc ở thôn Đại Trung, xã Cao Đức trên một khu đất cao ven bờ nam sông Đuống, mặt hướng về Lục Đầu giang. Trong đền còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như tượng Cao Lỗ, tượng An Dương Vương và tượng Thanh Giang sứ (?) cùng nhiều đồ thờ, tế tự. Đặc biệt, trong đền còn lưu giữ được một văn bản chữ Hán, 21 đạo sắc phong của triều Nguyễn từ Thiệu Trị đến Khải Định. Cùng với việc thờ tự ông ở quê hương Cao Đức, dân ở xóm Chùa (Cổ Loa) thờ ông làm thành Hoàng, miếu Cửa Bắc - thành Trung (Cổ Loa) cũng thờ Cao Lỗ. Ngoài Bắc Ninh, còn 7 nơi khác (Hà Nội có 4 nơi và Nam Định có 3 nơi) thờ Cao Lỗ, nay vẫn còn giữ được thần tích.
... và được khảo cổ học từng bước xác minh


Loại vũ khí huyền diệu (nỏ thần) được mô tả trong các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, tưởng chừng như chỉ “tồn tại” trong huyền ảo đã được các nhà khảo cổ học cần mẫn dò tìm trong hơn nửa thế kỷ qua. Đến nay họ đã có nhiều chứng cứ (hiện vật và di chỉ) để khẳng định rằng: Mũi tên, lẫy nỏ đã được chế tạo và hiện tồn dấu tích trong các di tích khảo cổ học có niên đại văn hóa Đông Sơn ở Cổ Loa và nhiều nơi khác. Năm 1959, tại di chỉ khảo cổ Cầu Vực (phía nam thành Cổ Loa) đã phát hiện một kho mũi tên đồng hàng vạn chiếc. Những năm 2005 - 2008, tìm thấy dấu tích xưởng đúc mũi tên với hàng trăm khuôn đúc các mũi tên đồng ba cạnh độc đáo tại Đền Thượng (trong thành nội Cổ Loa). Theo các nhà nghiên cứu, mũi tên ba cạnh rất phù hợp để bắn bằng nỏ. Đây là loại vũ khí lạnh tầm xa mang tính đặc thù của cư dân Việt cổ. Ngoài ra, mũi tên đồng còn được phát hiện ở nhiều nơi khác ở Cổ Loa và xung quanh: Mả Tre, Xóm Nhồi, Xóm Hương, Bãi Mèn (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội), Đình Tràng (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội)…


Nhưng câu chuyện về tướng quân Cao Lỗ không đột ngột dừng lại sau thất bại của An Dương Vương...

 

TS Lại Văn Tới (Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành)


Bài cuối: Ông tổ nghề rèn ở Nho Liêm?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN