Những vị khách nước ngoài bước vào không gian ngờm ngợp tơ lụa và bước ra lộng lẫy với những tà áo dài, áo bà ba, áo vest lụa mà không thứ hàng hiệu nào sánh kịp. Đằng sau những nuột nà ấy, là nhà thiết kế thời trang Hoàng Kim Thúy - người phụ nữ Hà thành với kim, chỉ và bàn tay khéo léo của mình đã bắc nên một nhịp cầu đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới…
Một chút duyên phố cổ
Cửa hàng của Thúy ở trong ngôi nhà 179 Hàng Bông - ngôi nhà cổ thứ 2 ở Hà Nội (sau nhà 87 Mã Mây) được bảo tồn và khôi phục nguyên vẹn lối kiến trúc cổ. Chồng chị là một nhà sưu tầm cổ vật và là người duy nhất đang nắm giữ bộ sưu tập sơn son thếp vàng kỳ công cùng với những hoành phi, câu đối cổ. Khách tới cửa hàng trầm trồ lụa một thì trầm trồ, ngợi khen nếp sống của gia đình Thúy, nếp sống “Hà Nội cổ” mưới. Nhiều đài truyền hình nổi tiếng nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… đã làm phim về ngôi nhà của Thúy và cô “thợ may phố cổ”.
Một góc cửa hàng của Hoàng Kim Thúy ở Hàng Bông. |
Thúy cởi mở lắm, khách tây, khách ta tới cửa hàng may đồ hay xem lụa đều được chị mời chén trà sen thơm ngon và khách vừa thưởng trà vừa ngắm lụa, ngắm các bộ sưu tập cổ vật độc đáo. Vào những ngày mùa đông giá lạnh, căn nhà cổ luôn ấm áp mùi trầm hương, ngày hè thơm ngát hương sen, mùa thu ngát hương hoa ngâu và mùa xuân rực rỡ hoa đào, thược dược, violet. Trong ngan ngát hương hoa ấy, Thúy lặng lẽ vun đắp ước mơ đưa lụa Việt Nam đi xa hơn trên thị trường thế giới. Thúy đã cho con gái đầu lòng đi học thời trang tại Pari và ấp ủ dự định mở ở nơi đây một showroom giới thiệu lụa, tơ tằm Việt Nam…
Nghề kén người may, tay thợ kén lụa
Nhà thiết kế thời trang Hoàng Kim Thúy vốn dòng dõi Tổng đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải, ông bà nội của chị từng là thương nhân nổi tiếng bậc nhất ở đất kinh kỳ. Nghe nói, trước đây, toàn bộ khu vực phố Lê Trực - Sơn Tây hiện nay là đất đai của dòng tộc họ Hoàng, năm 1954 ông bà nội Thúy hiến cho Nhà nước trong phong trào “công tư hợp danh”.
Nhà thiết kế Hoàng Kim Thúy chọn lụa cho khách hàng. |
Nói về mình, chị kể rất giản dị. Sinh năm 1965, lớn lên ở giáo xứ Ngọc Hà, Thúy được thụ hưởng nền giáo dục khá nghiêm khắc từ mẹ chị - một con chiên ngoan đạo đồng thời là một phụ nữ Hà Nội nền nã. Có lẽ chính từ cái nết hiền thục và những thiên tư trời phú mà chị chọn nghề may. Khởi nghiệp năm 1989 từ hiệu may nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng rồi chuyển về Hà Trung, Thúy đã có tiếng là khéo tay và chiều khách. Nhưng “cơ duyên” chỉ đến khi Thúy biết tới lụa Hà Đông.
Những năm 1990, sau thời gian dài bị “thất sủng”, lụa Vạn Phúc - Hà Đông được ưa chuộng trở lại nhờ nhu cầu của lượng khách du lịch nước ngoài. Các cửa hàng tơ lụa đua nhau mọc lên trên khu vực phố Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào… nhưng không phải nhà nào cũng bán lụa Hà Đông mà chủ yếu nhập lụa Trung Quốc hoặc lấy từ Bảo Lộc - Lâm Đồng hay từ Hội An ra. Cũng bởi khi ấy, sau thời bao cấp, làng Vạn Phúc không dệt lụa mà chủ yếu dệt thảm đay, thảm len xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu. Đến khi không còn hợp tác xã, hết thị trường, người làng lụa ngơ ngác, canh cửi bỏ không, người đi buôn, kẻ làm ruộng, tưởng như mất cả nghề…
Nhận may hàng lụa cho khách, đã vài lần nhà Thúy bị mối hàng lừa bán cho lụa Vạn Phúc “rởm”, vừa giao áo cho khách đã bị họ mang trả, còn mắng té tát vì đường chỉ xô dạt, vừa giặt đã phai mất màu, Thúy quyết định cùng chồng vào tận làng lụa để mua hàng. Cả tháng trời lân la, Thúy mừng “như bắt được vàng” khi tới gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão.
“Cụ Mão khi ấy là người duy nhất dệt được các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, đặc biệt là lụa Vân - thứ lụa từng được lựa chọn may trang phục cho hoàng hậu Nam Phương. Lụa của cụ mặc ấm áp vào mùa đông, mát vào mùa hè, hoa văn trang trí trên vải lụa được cụ khôi phục nguyên các mẫu xưa mà triều đình nhà Nguyễn ưa chuộng như: Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý…”, Thúy kể.
Tìm được người dệt lụa đã là cơ duyên, nhưng quẩn quanh vài mẫu lụa cổ chưa đủ để lụa Hà Đông đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính, có “gu” thẩm mỹ cao. Thúy lại một lần nữa mày mò vào Vạn Phúc và tìm được một nghệ nhân có tay nghề cao trong kỹ thuật nhuộm lụa. Và từ đây, Thúy đã có “nguyên liệu” độc nhất vô nhị để chiều lòng khách hàng.
Chị đặt gia công riêng tơ tằm và lụa Vạn Phúc tại các xưởng có uy tín bậc nhất ở Vạn Phúc, nhuộm cũng theo màu mà chị chọn. Những màu này chỉ được nhuộm cho riêng hàng của Thúy, người nhuộm cam kết không “nhân bản”, bù lại Thúy phải trả tiền cao hơn nhiều lần so với các sản phẩm nhuộm thông thường…
Những vị khách hàng đặc biệt
Vị khách hàng có công giúp thứ lụa quý của Thúy đến với phụ nữ Việt và đi khắp thế giới là bà Tôn Nữ Thị Ninh - người phụ nữ được bầu là lịch lãm và phong cách trong giới ngoại giao Việt Nam. Mỗi lần xuất hiện trong các chương trình ngoại giao, bà thường mặc những trang phục thuần Việt như đũi, lụa… và kèm một chiếc khăn lụa fula duyên dáng. Hoàng Kim Thúy chính là người thiết kế riêng các trang phục đó cho bà.
Thúy cho biết, bà Ninh là vị khách đặc biệt của chị suốt hơn 10 năm qua. Ban đầu, bà đến để may áo dài kiểu Hà Nội, sau thành yêu thích và muốn sử dụng thường xuyên các trang phục từ chất liệu đẹp này. Vì thế, Thúy đã thiết kế riêng cho bà những chiếc áo vest lụa sang trọng, khác biệt để bà “diện” ở các khung cảnh khác nhau, từ hoạt động chính trường tới các sự kiện văn hóa, ngoại giao. Nhờ bà Ninh rất hợp với lụa Hà Đông, lại là người có gu thẩm mỹ cao nên thiết kế của Thúy ngày càng “lên tay”, tôn thêm được vóc dáng quý phái của vị khách hàng. Chị tâm sự: “Tôi nhớ cô Ninh thường nói với tôi, sản phẩm truyền thống của nước mình thì mình phải tự hào, phải biết cách tôn nó lên. Bây giờ người phụ nữ không thiếu cơ hội lựa chọn hàng hiệu nhưng những chất liệu truyền thống như lụa, tơ tằm… vẫn có giá trị riêng. Nó khiến người phụ nữ tự tin hơn, quyến rũ và có cá tính, có bản sắc riêng. Chính cô Ninh đã khuyến khích tôi tới các buổi biểu diễn thời trang dân tộc trong các dịp lễ, Tết ngoại giao để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới”.
Cũng từ bà Ninh giới thiệu, ngôi nhà của Thúy đã trở thành địa chỉ văn hóa mà “dân” ngoại giao thường dẫn khách nước ngoài tới tham quan. Và cũng nhờ “người mẫu” đặc biệt này mà nhiều nữ chính khách trong và ngoài nước đã biết tới chất liệu lụa, tơ tằm của Việt Nam có thể may thành áo vest. Một “dòng” thời trang dành riêng cho chính khách đã xuất hiện như vậy.
Ngay cả vợ chồng Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng là khách hàng của Thúy. Sang thăm Việt Nam, phu nhân Tổng thống đã có những thời khắc thật vui tại cửa hàng của Thúy khi chị tận tụy may áo vest lịch lãm cho bà. Rồi vợ chồng thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, thị trưởng thành phố Toulouse (Pháp)… cũng lần lượt là khách hàng của Thúy khi tới Việt Nam. Họ đều rất hài lòng với trang phục và chất liệu lụa Việt mà Thúy mang tới cho họ. Thúy kể một kỷ niệm ấn tượng với phu nhân thị trưởng thành phố Toulouse, bà tới nhà Thúy và đặt may rất nhiều đồ lụa trong khi ngày hôm sau bà đã lên máy bay về nước. Thời gian gấp như vậy nhưng nể trọng khách hàng nên Thúy đã thức trọn đêm để tự tay may đồ cho phu nhân thị trưởng. “Bà thị trưởng rất hài lòng và sau này tôi được biết, bà nói với cô Ninh là bà thích đến nỗi cứ mặc hoài những trang phục đó”, Thúy cười rạng rỡ khi nhắc lại những kỷ niệm đó.
Sơn Hà