Với đặc thù thu nhập tương đối ổn định, không đòi hỏi bằng cấp hay giới hạn về độ tuổi nên giúp việc gia đình đang là một nghề khá “hot”. Tuy nhiên, những người giúp việc gia đình đang phải đối mặt với không ít rủi ro.
Nhiều nguy cơ
Chị TN (Hà Nội) đã bị bà chủ nhà hắt nước nóng vào người vì quên không đánh thức bà chủ dậy đúng giờ để kịp ra sân bay. Chị TN đã phải đi bệnh viện điều trị vết bỏng một thời gian. Đó là một trong rất nhiều tình huống rủi ro mà người giúp việc gia đình (GVGĐ) đang phải đối mặt. Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), cho biết: “Khảo sát hơn 600 lao động GVGĐ từ năm 2007 đến nay cho thấy, họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Bị mắng chửi, đánh đập, tát, đẩy ngã; bị giữ giấy tờ tùy thân, cấm tiếp xúc; giữ lương; không được về thăm nhà. Và đặc biệt, có tới 16% GVGĐ bị lạm dụng tình dục.
Lao động giúp việc gia đình mong muốn được dạy kiến thức, kỹ năng. |
“Trên thực tế, GVGĐ vẫn chưa được công nhận là một nghề. Người GVGĐ chưa được quản lý và đào tạo, nên phải đối mặt với nhiều nguy cơ và không được chủ nhà đảm bảo quyền lợi theo thỏa thuận ban đầu”, bà Ngô Thị Ngọc Ánh, cho biết.
“Đã đến lúc cần xem giúp việc gia đình là một nghề và có đào tạo để trang bị cho họ kỹ năng hoàn thành công việc cũng như phòng ngừa rủi ro. Chúng ta cũng cần đối xử với họ bình đẳng như người lao động khác”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Thực tế, trình độ học vấn của những người GVGĐ thấp, đa số là từ THCS trở xuống. Thậm chí, khoảng 30% người có trình độ dưới tiểu học và nhiều người không biết chữ. Do đó, phần lớn GVGĐ thiếu hiểu biết pháp luật. Việc thỏa thuận về công việc, mức lương, thời gian làm việc với gia chủ thường là hợp đồng “miệng”, nên khi sự cố xảy ra, người GVGĐ luôn chịu thiệt thòi. Chỉ có khoảng 2% GVGĐ là có hợp đồng.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, khoảng 50% GVGĐ gặp khó khăn trong quá trình đi làm, trong đó chủ yếu là không biết làm một số việc và bất đồng về lối sống với gia chủ. Những khó khăn trên do GVGĐ chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, trong khi văn hóa, sinh hoạt vùng, miền lại có sự khác biệt. Chính vì vậy, hơn 80% lao động mong muốn được dạy kiến thức, kỹ năng trước khi đi làm. Về phía gia đình, có tới hơn 87% gia đình sẵn sàng trả lương cao hơn với người đã qua đào tạo.
Sẽ có nghị định quản lý
Trước những rủi ro mà người GVGĐ đang gặp phải, đại diện của GFCD kiến nghị: GVGĐ cần được coi là một nghề và cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển, tăng cường quản lý, bảo vệ người GVGĐ.
“Trước mắt, để phòng ngừa những rủi ro, nhất là tránh tình trạng người GVGĐ bị xâm hại tình dục, cần tạo các sân chơi lành mạnh thông qua các mô hình CLB dành cho người GVGĐ do Hội phụ nữ cơ sở tổ chức, hoặc thiết lập đường dây nóng để cung cấp, chia sẻ kiến thức pháp luật và kỹ năng bảo vệ cho người GVGĐ”, bà Ngô Thị Ngọc Anh đề xuất.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Bộ LĐ,TB&XH sẽ hoàn thiện dự thảo về Nghị định quản lý đối với nghề GVGĐ và dự kiến trình Chính phủ trong quý III năm nay. Theo đó, GVGĐ sẽ được coi là một nghề, người GVGĐ sẽ được đào tạo, cấp chứng chỉ và phòng ngừa rủi ro.
Xuân Cường