Dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành; dịch cúm H7N9 cũng đang lây lan tại một số địa phương của Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã có sự chỉ đạo gắt gao, kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, người dân dường như vẫn chưa ý thức được hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này.
Nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh
Tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội), trung bình mỗi ngày có khoảng 40 - 50 tấn gia cầm từ khắp các tỉnh, thành chuyển về, với số lượng lên tới hàng vạn con. Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát gia cầm từ khắp các nơi đổ về chợ. Theo ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ, mọi xe chở gia cầm muốn vào chợ Hà Vỹ phải có đủ giấy tờ theo đúng quy định như: giấy kiểm kịch động vật, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận phòng bệnh của chính quyền sở tại. Ông Viết khẳng định, ở chợ hiện không có gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Lý do là giá gà trong nước rất rẻ, chất lượng lại cao nên không còn tiểu thương nào buôn gà Trung Quốc nữa.
Gà thả rông trong một khu tập thể giữa nội đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Dương |
Một tiểu thương tại chợ Hà Vỹ chia sẻ với phóng viên: Cách đây khoảng 2 năm, chợ có nhiều gà thải loại từ Trung Quốc nhập về, nhưng nay hoàn toàn không có. Khách hàng hiện nay không còn ham rẻ, nên có buôn gà Trung Quốc về thì cũng không bán được.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại các gian ki ốt bán gà, có nhiều gà chết bị vứt ngổn ngang bên cạnh gà sống. Một số con khác có biểu hiện ốm yếu. Chủ các gian ki ốt này tỏ ra rất chủ quan với tình trạng gà chết như vậy. Hoạt động buôn bán vẫn diễn ra nhộn nhịp. Theo ông Viết, ngày nào chợ gia cầm Hà Vỹ cũng có gà chết, nhưng hầu hết là do quá trình vận chuyển đường dài.
“Nếu có từ 50 con trở lên bị chết, chúng tôi sẽ vận hành máy để tiêu hủy ngay tại chợ. Nếu số lượng gia cầm chết ít hơn, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền để tiêu hủy bằng dầu hoặc chôn tại bãi tiêu hủy của địa phương”, ông Viết cho hay.
Bên ngoài khu vực chợ, tình trạng buôn bán gia cầm nhỏ lẻ vẫn diễn ra với số lượng chỉ vài chục con. Nếu như việc buôn bán gia cầm trong chợ được kiểm soát gắt gao thì tình trạng buôn bán nhỏ lẻ này diễn ra tự do mà không có sự kiểm soát nào từ lực lượng chức năng. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Không những vậy, tại một số khu vực trong nội đô Hà Nội, người dân còn nuôi gà ngay trong khu dân cư với lý do... tạo thực phẩm sạch.
Gia cầm bày bán tự do bên ngoài chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Dương |
Theo quan sát của phóng viên, dạo quanh các khu dân cư như Trung Tự, Khương Thượng (quận Đống Đa), có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nuôi gà trong khu nhà dân, từ gà tre, gà chọi đến gà thịt... Tận dụng khoảng trống ở góc sân nhà, ông N. Đ tại Lê Duẩn (Hà Nội) nuôi mấy con gà trống, vừa là để có việc làm lúc về hưu rảnh rỗi, vừa tạo nguồn thực phẩm sạch. Trước thông tin dịch cúm gia cầm đang lây lan tại nhiều tỉnh thành, ông Đ. cho biết: “Tôi cũng thấy chút lo lắng, nhưng gà nuôi ở nhà như thế này thì chắc là khó nhiễm dịch”.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Sự chủ quan và thiếu kiến thức của người dân sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ dàng lan truyền trong cộng đồng. Theo thống kê, đã có 64 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 16 tỉnh và dịch bệnh đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng. Để đối phó với dịch cúm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cấp 4,5 triệu liều vắcxin cúm A/H5N1 cho các địa phương để tiêm phòng bao vây khẩn cấp các ổ dịch cúm.
16 tỉnh, thành phố đang xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. |
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút cúm gia cầm. “Sẽ đóng cửa chợ ít nhất một ngày trong tháng đối với chợ chuyên bán gia cầm sống để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đối với các chợ có buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, cần bố trí khu vực riêng biệt cho việc giết mổ gia cầm”, ông Đông cho biết.
Ngoài ra, theo ông Đông, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong công tác phòng chống dịch, các cơ quan chức năng phải thông tin đầy đủ cho người dân biết về tình hình dịch bệnh; các địa phương không được giấu dịch. Chỉ khi người dân biết rõ về dịch thì họ mới chủ động đối phó với dịch bệnh.
Hữu Vinh - Hoàng Dương