Cá thể gấu được đưa lên xe, di chuyển đến Trung tâm cứu hộ gấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: ENV. |
Một cá thể gấu ngựa (có gắn chíp quản lý) đã được chuyển giao đến Trung tâm cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai và Tổ chức Free the Bears là những đơn vị trực tiếp tham gia cứu hộ và tiếp nhận cá thể gấu.
Đây là cá thể gấu được hộ gia đình bà Lê Thị Lan tại Đồng Nai nuôi nhốt từ năm 1997. Trong quá trình kiểm tra và tái gắn chíp cho gấu ở Đồng Nai, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) đã cùng với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai trực tiếp trao đổi, vận động chủ gấu và đến đầu tháng 12 này, gia đình bà Lan đã làm đơn đề nghị tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước. Theo nhận định của cán bộ Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, cá thể gấu này không có dấu hiệu bị trích hút mật trong những năm gần đây.
Đại diện gia đình bà Lan chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi cá thể gấu này được hơn 20 năm rồi. Sau khi được các cơ quan chức năng truyên truyền, vận động, chúng tôi có mong muốn chuyển giao gấu cho Nhà nước để gấu được chăm sóc và sống trong điều kiện tốt hơn. Tôi cũng hy vọng các chủ trại gấu khác trên cả nước cũng sớm chuyển giao gấu để chúng được sống gần với thiên nhiên.”
Cá thể gấu đã được nuôi nhốt 20 năm và không hề có dấu hiệu bị trích hút mật gần đây. Ảnh: ENV. |
Các cán bộ kiểm lâm hoàn thiện thủ tục chuyển giao gấu. Ảnh: ENV. |
Trước đó, ngày 11/12/2017, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cũng đã tiếp nhận một cá thể gấu ngựa từ một hộ gia đình ở Gia Lai chuyển giao. Như vậy, hai cá thể gấu được chuyển giao gần đây đã nâng tổng số cá thể gấu (có đăng ký) được tự nguyện chuyển giao trên khắp cả nước lên 25 cá thể trong năm nay. Tuy vậy, hiện vẫn còn 936 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 272 cơ sở nuôi nhốt trên cả nước.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: “Càng ngày càng có nhiều chủ nuôi nhốt gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kì một khoản hỗ trợ nào. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này. Thêm một cá thể gấu được chuyển giao, chặng đường chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu sẽ được thu ngắn hơn”
Việt Nam có 2 loài gấu là gấu ngựa và gấu chó. Cả hai loài gấu của Việt Nam đều được pháp luật bảo vệ ở mức độ cao nhất, nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Gấu ngựa và gấu chó cũng được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), gấu, các bộ phận của gấu và bất kỳ sản phẩm từ loài này đều được coi là hàng cấm đầu tư kinh doanh.
Ngày 1/1/2018 tới, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hành vi “săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán gấu trái phép” hoặc “vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của gấu” và “hành vi tàng trữ (hay lưu trữ)” sẽ bị xử lý hình sự. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa đến 15 năm.