Ở trung tâm Hà Nội, mật độ các tòa nhà dầy đặc, xe cộ lưu thông thải khí nóng hầm hập, trong khi không gian cây cối sân vườn còn hạn chế làm trời đã nóng lại càng thêm bức bối, ngột ngạt. Vào buổi trưa, nhiều người hành nghề tự do đổ ra các công viên, vỉa hè để tránh nóng. Một số người rủ nhau vào các siêu thị, trung tâm mua sắm để “hưởng ké” khí mát điều hòa. Cũng có những sinh viên chọn cách chống nóng rất độc đáo: ngủ trưa, học bài trên xe bus. Chỉ cần ngồi hai lượt xe buýt đường dài như tuyến 32 (Giáp Bát - Nhổn) hoặc tuyến 22 (Hà Đông - Gia Lâm) là có một giấc ngủ ngon lành với điều hòa mát.
Những ngày này, cái nóng có thể cảm nhận được ngay từ sáng sớm. Người dân hạn chế tối đa việc ra đường, những người ra khỏi nhà phải bịt kín từ đầu đến chân để bảo vệ mình. Trong cái nắng như dội lửa xuống đầu, nhiều người lao động vẫn phải quay cuồng làm việc mưu sinh.
Di chuyển giữa trời nắng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. |
Tại chợ Đồng Xuân, trung tâm mua bán lớn của Thủ đô, không khí vẫn rất nhộn nhịp. Dưới cái nắng đến bực bội, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ông Hà Văn Sinh (quê Nam Định, làm nghề bốc vác hàng hóa), đội chiếc mũ cối đã sờn bạc, khăn lau mồ hôi vắt qua cổ, cong lưng cõng từng thùng hàng chất lên xe, đôi mắt nheo lại, gương mặt đen quắt, mồ hôi nhỏ từng giọt. Ngay cạnh đó, chị Trần Thị Duyên, một người bán rau cứ chốc chốc lại cầm chai nhựa tưới nước lên những mớ rau. Chị Duyên cho biết: “Nắng nóng như vậy nên người dân ăn rau nhiều hơn, rau bán chạy nhưng rất nhanh héo. Chỉ để chừng 5, 10 phút là lá rau đã héo quắt, trông không ngon mắt, khó bán hơn”.
Giống như các khu chợ, bến xe cũng là nơi có lượng người qua lại cao dù thời tiết khắc nghiệt. Những ngày này, cái nóng tỏa ra từ hơi người, khí nóng từ xe cộ, các phương tiện tập kết trong bến xe khiến nhiệt độ như tăng thêm. Làm nghề chạy xe ôm trước bến xe Mỹ Đình, anh Nguyễn Văn Định (quê Thanh Hóa) lắc đầu ngán ngẩm: “Nóng thế này khách họ đi taxi nhiều, chúng tôi chờ từ sáng đến chiều có khi không chạy được chuyến nào. Nếu có chỉ là khách đi những chặng ngắn, thu nhập không được bao nhiêu”.
Khí nóng từ mặt đường phả ra hầm hập khiến công việc của những người lao công như khó khăn hơn bội phần. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, những ngày này, vừa phải tiếp xúc với khói bụi, vừa phải chịu cái nắng như thiêu đốt, chị thấy vất vả hơn rất nhiều, mồ hôi lúc nào cũng vã ra như tắm. Để tránh bớt cái nóng, chị Hương và đồng nghiệp quét dọn đường phố sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, tiết trời oi ả từ sáng sớm đến tối muộn vẫn ảnh hưởng rất lớn đến công việc của các chị, rất nhiều người lao công bị mất nước, say nắng, ngất xỉu ngay trong lúc làm việc.
Thời tiết tuy khắc nghiệt nhưng công trình vẫn phải thi công cho đúng tiến độ, bởi vậy những công nhân xây dựng phải thay đổi giờ làm việc để tránh nóng. Mấy ngày nay, tổ thợ xây của anh Đào Văn Hiển ở phường Xuân La, quận Tây Hồ phải chuyển thời gian làm việc buổi sáng từ 5 giờ - 9 giờ sáng và chiều từ 16 giờ - 20 giờ. Anh Hiển cho biết, vì trời nóng, để đảm bảo sức khỏe cho thợ, ngoài thay đổi giờ làm việc còn cho phép thợ nghỉ giải lao nhiều, hỗ trợ nước mát, hoa quả.
Những ngày nóng kỷ lục này, hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bạch Mai, Viện K, Viện nhi Trung ương... đều quá tải. Số bệnh nhân đến khám và điều trị đã tăng lên đáng kể, chủ yếu do mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, viêm phổi, tim mạch, huyết áp và ngộ độc thực phẩm...
Tại Bệnh viện Bạch Mai, sảnh lớn, hành lang là nơi lý tưởng để các bệnh nhân và người nhà nghỉ ngơi, tránh cái nóng 40 độ. Ngồi nghỉ ở hành lang khu C7, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), ông Ngô Văn Thiều (53 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ: “Mấy hôm nay trời nắng nóng quá, trong phòng bệnh chật chội, ngột ngạt không chịu được, nên tôi phải ra ngồi đây cho thoáng. Mỗi phòng có 2 giường, do bệnh nhân đông, phải ghép 3 người một giường. Bệnh nhân nào cũng chỉ ngả lưng đôi chút vì nóng không ngủ được. Tôi mắc cả bệnh tim và thận, phải ăn đồ ăn nhạt, lại càng không muốn ăn uống”.
Người nhà chăm sóc các bệnh nhân, phải trải chiếu ngủ tạm ở hành lang bệnh viện trong tiết trời oi ả. Chị Nguyễn Thanh Tú đi chăm con bị ốm tại Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự: “Nắng nóng gay gắt khiến con gái bị ốm phải nhập viện, tôi ở viện hôm nay là ngày thứ 5 rồi. Nhà có hai người xuống thay nhau chăm sóc cháu, cứ người nọ ở trong phòng thì người kia lại tranh thủ mang chiếu ra gốc cây nằm ngủ. Mà cũng chỉ ngủ được một lúc buổi sáng. Từ 9 giờ trở đi, nắng nóng không thể ngủ được. Vào bệnh viện mới thấy nhiều người khỏe cũng ngã bệnh".
Thời tiết nắng nóng liên tiếp khiến nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao. Nhiều địa điểm bị mất nước khiến việc sinh hoạt của người dân càng thêm vất vả. Em Nguyễn Thị Vân (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Trời nắng nóng, ký túc lại bị mất nước khiến chúng em không thể sinh hoạt được. Cả ngày muốn tắm rửa mà không được, bát đũa không có nước để rửa, quần áo bốc mùi chưa được giặt giũ. Có hôm mất nước cả phòng phải mua tạm bình nước lọc giá 15.000 đồng về dùng đánh răng rửa mặt".