Nghịch lý trường không có lớp học ở Cao Bằng

Có trường học, có giờ học phụ đạo và có sân chơi riêng là điều mà thầy và trò trường Tiểu học Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng) ao ước từ 2 năm nay. Nhà trường hiện nay đang phải chịu cảnh “học nhờ, ở thuê” nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.


Trường Tiểu học Đức Xuân trước kia nằm bên quốc lộ 4, nhưng do cơ sở vật chất nhà trường ngày càng xuống cấp, nên lãnh đạo huyện Thạch An có chủ trương xây mới ngôi trường trên một địa điểm khác và nhường mặt bằng của nhà trường để xây dựng trụ sở xã Đức Xuân. Sẽ không có gì đáng nói nếu cả trụ sở xã và trường Tiểu học cùng được xây dựng. Nhưng tồn tại một nghịch cảnh, trụ sở xã thì đã được xây dựng khang trang, còn thầy và trò trường thì chưa hề có một phòng học hay cơ sở vật chất nào riêng của nhà trường và vẫn phải học nhờ trường THCS. Qua trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương và giám hiệu nhà trường, chúng tôi được biết năm 2010 các cán bộ của phòng giáo dục huyện đã xuống đo đạc, lập kế hoạch và hứa sẽ xây dựng trường trong năm 2010. Tuy nhiên, đã gần 2 năm mà chưa thấy xây dựng, lãnh đạo xã, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa có câu trả lời từ phía huyện.


Từ việc học nhờ trường THCS, kéo theo hàng loạt những khó khăn mà thầy và trò trường Tiểu học Đức Xuân đối mặt thường ngày. Trường Tiểu học có 11 lớp học, nhưng trường THCS chỉ có 10 phòng học, vì vậy 1 lớp phải học nhờ nhà văn hóa xóm. Lớp học này gần như biệt lập với các hoạt động sinh hoạt giữa giờ của trường, dù chỉ cách vài trăm mét nhưng các em học sinh không thể cứ sau các tiết học lại đi bộ lên trường tham gia cùng các bạn. Vì vậy các hoạt động giữa giờ, ngoại khóa không được thực hiện đồng bộ. Chưa có trường, chỉ học nhờ được buổi chiều nên chỉ đảm bảo được việc hoàn thành chương trình học chứ chưa có phòng học để phụ đạo và bồi dưỡng cho học sinh. Trong khi đó, mô hình đào tạo chung của các trường tiểu học hiện nay là dạy bán trú, nên các em học sinh nơi đây bị thiệt thòi về kiến thức mà còn hạn chế trong việc rèn luyện các kỹ năng sống, làm quen với môi trường học tập mới.


Phòng hội đồng phải thuê nhà dân ngay gần đó, để tiện giao ban, sinh hoạt giữa giờ. Nhưng diện tích phòng cũng rất hạn chế bởi nếu tất cả 16 cán bộ giáo viên họp thì không đủ chỗ ngồi. Một số trang thiết bị hay dùng thì để tại phòng hội đồng, còn những vật dụng ít khi sử dụng thì trường lại phải gửi nhờ một phòng của xã.


Cô Ngôn Thị Hỷ - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Xuân, Thạch An cho biết : Chúng tôi xuống học nhờ trường THCS Đức Xuân chỉ với hai bàn tay trắng, không lớp học, phòng hội đồng. Đến tiết học thì lại vất vả chuyển thiết bị học tập đến lớp, các em học sinh còn nhỏ tuổi nên cũng bất cứ việc gì cũng đến tay các cô. Các em không có sân chơi, lớp học riêng nên bước vào lớp niềm hứng thú học tập bị giảm đi nhiều. Biết các em học sinh thiệt thòi nhưng chúng tôi không làm được gì hơn. Vì các em nên cán bộ giáo viên nhà trường chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng.


Theo quy định, các em tiểu học sẽ sử dụng bàn ghế riêng phù hợp với lứa tuổi, nhưng việc học nhờ trường THCS thì bàn ghế sẽ chênh lệch với chiều cao học sinh. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, tư thế ngồi của các em. Bên cạnh đó việc trang trí lớp, treo khẩu hiệu cũng không thực hiện được mà đây là điều quan trọng đối với cấp tiểu học, vì sẽ tạo không khí, hứng thú học tập cho các em. Khi hỏi về mong muốn của nhà trường, cô Ngôn Thị Hỷ cho biết: Mong rằng các cấp các ngành quan tâm hơn đến trường Tiểu học Đức Xuân sớm đầu tư xây dựng trường học để con em trong xã bớt vất vả hơn.


Thuận Huế - Mạnh Hà


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN