Nghĩa tình quân tình nguyện Việt Nam tại Lào

Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La hiện có trên 40.000 hội viên, trong đó nhiều cựu binh đã từng tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Họ là những anh hùng trong khi làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần vun đắp, giữ gìn tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.


Chuyện kể về những năm tháng hào hùng


Bác Quàng Văn Đưa, ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, nguyên là Trung tá, Tham mưu phó Mặt trận 379, đã có hơn hai chục năm tham gia chiến đấu, công tác, phục vụ tại đất nước Lào anh em. Nay ở tuổi 78, mái tóc bạc trắng, nhưng kỉ niệm về những năm tháng chiến đấu gian khổ cùng bộ đội Pathet Lào gần như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Bác Đưa kể lại: “Năm 1967, khi đang là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 428 của tỉnh Sơn La thì tôi được cử sang “Chiến trường C”, đóng quân tại Mường Son, tỉnh Hủa Phăn của Lào.

 

Múa sạp trong ngày hội Văn hóa Việt - Lào tại Sơn La.

 

Một lần trong trận đánh phối hợp với đơn vị bạn trong trận giải phóng xã Tông Cọ (Luông Pha Băng-Lào) tháng 11/1970, quân ta đã phải quần nhau với địch từ 2 giờ đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau. Năm 1972, tôi được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Trung đoàn 148, chuyển quân đóng tại tỉnh Phông Sa Lỳ. Thời gian này, ngoài nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, đơn vị của tôi còn giúp bạn xây dựng lực lượng, mở đường giao thông, xây dựng kinh tế, được bà con các bộ tộc Lào đùm bọc, tin yêu”.


Bác Cầm Dương Thịnh, một cựu binh quân tình nguyện, nay ở tuổi 74, đang trú tại tiểu khu 2, thị trấn Thuận Châu. Trong ký ức của bác Thịnh vẫn còn ghi đậm những trận đánh, những khi bị thương, thất lạc đơn vị được nhân dân Lào che chở, nuôi giấu. Nhưng bác nhớ nhất là vào thời điểm năm 1974, trước trận đánh vào sân bay Luông Pha Băng, đơn vị bác (gồm 15 người) nhận nhiệm vụ trinh sát. Sân bay cách bờ sông Nậm Khàn (một nhánh của sông Mê Công) khoảng 100 m. Bác nhớ lại: “Khi chúng tôi thực hiện xong nhiệm vụ trinh sát cũng vừa lúc trời rạng sáng, không kịp vượt sông về căn cứ. Lúc này tình thế cam go, bởi ban ngày quân địch liên tục tuần tra trên sông bằng xuồng máy.

 

Với vai trò chỉ huy, tôi đưa ra phương án ngụy trang giấu lực lượng bằng cách vùi mình xuống cát bên bờ sông, chờ trời tối. Tưởng như vậy đã tạm ổn, nhưng một sự cố bất ngờ lại xảy ra vì nơi giấu quân là bãi tắm của bà con địa phương nhưng chúng tôi không còn thời gian dịch chuyển đến nơi khác nữa. Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, “trận địa” giấu quân của chúng tôi bị hai nhà sư xuống bãi sông để tắm phát hiện ra. Nhưng may mắn là nhà sư đó đã không tiết lộ chuyện phát hiện đó nên các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã thoát nạn. Nhưng thoát khỏi kẻ thù thì lại bị cái nóng, cái khát và đói hành hạ. Trên đường trở về đơn vị, vì lương khô không còn nên bộ đội phải tìm nõn chuối, rau rừng ăn sống cầm hơi, ăn vào rồi lại nôn ra, nhiều người lả đi vì đói. Bảy ngày sau mới về được đến đơn vị an toàn. Nhưng trận đánh ấy, nhờ trinh sát tỉ mỉ, quân ta toàn thắng, tiêu diệt được 10 máy bay địch, góp phần cho thắng lợi của quân dân Lào”.

 

Cũng là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Lào năm xưa, bác Lường Hòa Bình, 57 tuổi (một cựu chiến binh) ở bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, nhập ngũ năm 1971 thuộc tiểu đoàn 172, Quân khu Tây Bắc, sau đó chuyển đến Trung đoàn 82 hành quân từ Sơn La sang Luông Pha Băng (Lào). Trận đánh đầu tiên mà bác được tham gia là tiêu diệt quân địch tại sân bay Luông Pha Băng. Khi đó, bác Bình có nhiệm vụ thông tin giữa người đo đạc vị trí điểm rơi của đạn pháo và thông tin với người chỉ huy. Trận đánh toàn thắng gây tiếng vang lớn. Sau đó, đơn vị bác Bình đã tham gia phối hợp với quân Pathet Lào đánh nhiều trận khiến quân địch khiếp vía, bỏ vị trí mà chạy thục mạng, hoặc đầu hàng. Chiến tranh kết thúc, với nghĩa tình đồng đội, bác Lường Hòa Bình có dịp cùng đơn vị trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt của đồng đội đã hy sinh trên đất bạn Lào.


Bác Bình đã cùng các đồng đội tại đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được hơn 400 bộ hài cốt liệt sĩ, đón đồng đội trở về đất mẹ quê hương. Bây giờ, bác Bình cũng như bác Đưa, bác Thịnh và nhiều cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng với bản chất của Bộ đội cụ Hồ, họ vẫn luôn nghĩ về những tháng năm hào hùng, luôn tự hào và luôn tích cực góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ, vun đắp về mối quan hệ đặc biệt, son sắt Việt - Lào.

 

Tìm đồng đội nơi đất bạn Lào


Tháng 6/1994, Quân khu 2 đã thành lập Đội tìm kiếm hài cốt đồng đội tại 6 tỉnh Bắc Lào: U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, Phông Sa Lỳ, Xay Nha Bu Ly (nước CHDCND Lào). Đội tìm kiếm gồm 22 cán bộ, chiến sĩ với nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, cất bốc và di chuyển hài cốt quân tình nguyện Việt Nam trở về đất mẹ. Theo số liệu cung cấp của Đội tìm kiếm, trong gần 19 năm làm nhiệm vụ, đội đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập 5.500 mộ liệt sĩ, tổ chức 6 đợt di chuyển hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang Mường Xay, tỉnh U Đôm Xay (Lào) về Nghĩa trang Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Riêng 70 mộ có địa chỉ cụ thể, được bàn giao cho Bộ chỉ huy quân sự và thân nhân 16 tỉnh, thành đón nhận truy điệu an táng tại quê nhà. Cuối năm 2011, nhờ bà con bên bạn Lào chỉ dẫn, Đội đã tìm được 36 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 3 liệt sĩ có tên, quê quán cụ thể.


Đội tìm kiếm hài cốt đã trải qua nhiều đêm không ngủ, ăn cơm nắm, nằm rừng, trèo đèo lội suối để tìm kiếm đồng đội. Dấu chân của 22 thành viên đội tìm kiếm đã đến 431 bản, 41 huyện của 6 tỉnh Bắc Lào. Ở 1.293 điểm có thông tin liệt sỹ, họ đã đào bới gần 11.000 m3 đất đá, nhưng chỉ được dùng xẻng và bới tay để tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ. Các anh đã góp phần đưa đồng đội trở về đất mẹ, giải tỏa tình cảm, tâm linh cho bao gia đình, người thân của những Anh hùng liệt sĩ.
Tình nghĩa sắt son


Trong bài phát biểu tại “Hội nghị Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam - Lào, Đoàn kết - hữu nghị (ngày 24/4/2012) tại thành phố Sơn La, bà Pany Yathotu, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, lời cảm ơn chân thành Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em, nhất là nhân dân tỉnh Sơn La đã giúp đỡ, hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trước kia cũng như sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào theo định hướng XHCN hiện nay.


Trong quan hệ Việt Nam - Lào, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Sơn La, cán bộ, đảng viên, nhân dân, quân tình nguyện và chuyên gia tỉnh Sơn La đã chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, góp phần vào mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào anh em. Tỉnh Sơn La luôn tuyên truyền và giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới về truyền thống hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, cùng thực hiện tốt Hiệp định Quy chế biên giới quốc gia và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hai nước Lào và Việt Nam. Chủ động giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị.


Bài và ảnh: Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN