Kể từ hẹn ước “ấm, lạnh có nhau”, nhân dân hai bên càng gắn kết. Không chỉ hợp tác, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, họ còn cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc giới. Ý thức tôn trọng pháp luật, nhận thức về các hiệp định, hiệp nghị, quy định pháp luật của hai Nhà nước trong nhân dân cũng vì thế mà nâng lên rõ rệt.
Gắn kết hai miền đất
Bản Nà Khạng, cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiengkhor, tỉnh Houaphanh, Lào những ngày cuối tháng Tám. Nang Dính Giàng, 27 tuổi, đứng trước kệ để hàng tạp hóa. Ngôi nhà, đồng thời là cửa hàng của người phụ nữ Lào này hầu như đủ các sản phẩm tiêu dùng, từ gạo, muối, mì tôm, xà phòng, dầu gội đến những mặt hàng nhỏ như viên pin, bàn chải đánh răng, khăn mặt, băng dính... để cung cấp cho người dân Nà Khạng. Dân bản cũng thường tới đây vì cửa hàng có nhiều sản phẩm của Việt Nam, giá thành rẻ, lại gần nhà.
“Mình thường sang bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu để lấy hàng về bán bởi người bản mình rất thích hàng hóa của Việt Nam. Bên đó người bán hàng rất thân thiện, khi quen biết nhau thì sẵn sàng cho nợ tiền đến cuối tháng mới thanh toán cả thể”, Nang Dính Giàng bộc bạch.
Theo chia sẻ của Nang Dính Giàng, sự thân thiện của người dân bên biên giới Việt Nam mà chị cảm nhận, không chỉ trong buôn bán làm ăn. Hơn hai năm qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thì Nang Dính Giàng và dân bản Nà Khạng được rất nhiều người bên Lao Khô I cũng như huyện Yên Châu điện thoại thăm hỏi, trao đổi hàng ngày. Bộ đội Biên phòng Việt Nam còn gửi vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, con giống, cây giống giúp người dân Nà Khạng.
“Đợt dịch vừa rồi dân bản mình phải nhờ người bên Việt Nam hỗ trợ nhiều lắm. Nếu không có họ giúp đỡ, chắc cuộc sống của bản mình sẽ rất thiếu thốn”, Nang Dính Giàng kể.
Vui vẻ nói về sự thân thiện của người dân hai bản hai bên biên giới, anh Giàng Lao Xang, Trưởng bản Nà Khạng cho hay: Người dân hai bản Lao Khô 1 và Nà Khạng có tình cảm, truyền thống giúp đỡ nhau. Cũng vì thế, năm 2013, chính quyền đã tổ chức kết nghĩa giữa hai bản. Việc này càng làm nhân dân hai bản gắn bó. Bà con thường giao lưu, thăm hỏi rồi bày nhau kinh nghiệm hay trong cách làm ăn, nâng cao đời sống cũng như ý thức về chính sách, pháp luật, tham gia giữ gìn an ninh trật tự hai bên biên giới.
Dân bản rất vui vì biết Nà Khạng cần giúp đỡ gì thì các bạn Việt Nam đều tận tình hỗ trợ. Như dịch COVID-19 vừa qua làm dân bản Nà Khạng gặp nhiều khó khăn về nhu yếu phẩm, họ đã tìm cách giúp đỡ. Họ còn vào bản hướng dẫn bà con trồng cây mận hậu, giúp đỡ từ cây giống đến cách chăm sóc. Số cây trồng mà các bạn Việt Nam hỗ trợ phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế.
“Đời sống của bà con dân bản khấm khá hơn nhiều. Hiện nay không còn tình trạng xâm canh, xâm cư, bỏ ruộng nương, xuất cảnh trái phép qua biên giới đi lao động nữa”- anh Giàng Lao Xang phấn khởi nói.
Xác nhận lời nói của người Trưởng bản, Đại úy Samsoiuk Saeangchanphet, Trạm trưởng trạm Nà Khạng (Công an huyện Xiengkhor, Lào) và Trạm trưởng Xôm Say Xỉ Nuôn Thong, Trạm Biên phòng Thẳm Me (Đại đội Biên phòng 213, Bộ đội Biên phòng Lào) đều khẳng định, kể từ khi kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới càng thể hiện tình cảm gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Họ tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, thực hiện nghiêm Quy chế biên giới, quy định pháp luật của mỗi nước...
“Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đang góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, thắt chặt tình đoàn kết giữa các lực lượng ở biên giới và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam nói chung. Các đơn vị bên phía Lào thường xuyên phối hợp với lực lượng phía Việt Nam tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới.
Nền tảng phát triển nơi biên viễn
Thông tin về câu chuyện “ghép đôi vùng biên giới”, ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1 vui vẻ kể: Trước khi kết nghĩa, người dân bản Lao Khô 1 và bản Nà Khạng vốn đã xem nhau là anh em. Hai bản đều có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong những năm tháng Việt – Lào liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp, ở đây có gia đình ông Tráng Lao Khô đã cưu mang, giúp đỡ ông Kaysone Phomvihane, cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào xây dựng tổ chức cơ sở hoạt động cách mạng. Ghi nhớ sự kiện lịch sử này, năm 2012, tại đây tỉnh Sơn La đã xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
“Hiện nay, bản Lao Khô 1 và Phiêng Khoài được coi là “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp năm xưa, rất nhiều bà con bên Lào, trong đó có bản Nà Khạng đã sang tham quan, tìm hiểu lịch sử, đồng thời cũng nhờ giúp trồng cây mận hậu. Tôi và bà con trong bản Lao Khô 1 đã hướng dẫn, giúp đỡ các bạn Lào từ cây giống đến cách chăm sóc. Các bạn bên kia có cái gì khó khăn thì bản Lao Khô đều sang hỗ trợ”, ông Tráng Lao Khai chia sẻ.
Trao đổi về “kết nghĩa Bản - Bản”, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho hay: Các dân tộc Việt Nam - Lào hai bên biên giới đều có mối quan hệ thân tộc, dòng tộc gắn bó với nhau từ lâu đời. Đây cũng được xem là tuyến biên giới tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, đảm bảo giữ gìn an ninh biên giới.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Sơn La có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, điển hình là hiệu quả của mô hình “Kết nghĩa Bản - Bản”.
Bộ đội Biên phòng Sơn La được giao nhiệm vụ quản lí, bảo vệ 250 km đường biên giới, tiếp giáp với các tỉnh Louangphabang, Houaphanh của Lào. Đây là khu vực rộng lớn với hai cửa khẩu phụ. Hoạt động giao lưu, hợp tác, làm ăn, phát triển kinh tế, sản xuất, trao đổi hàng hóa giữa hai bên có tiềm năng rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, mỗi năm có trên 500.000 tấn nông sản hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Sơn La và các tỉnh của Lào. Trong đó, Sơn La chủ yếu cung cấp cho bạn hạt giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón cùng nhiều hàng hóa khác. Còn hàng từ Lào sang chủ yếu là nông sản như ngô, thóc, cà phê, chanh leo, nhãn.
“Hiện nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế, nhu cầu thiết yếu về giao lưu, hợp tác, thông thương hàng hóa giữa hai bên rất lớn. Đây chính là cơ sở góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống, phát triển kinh tế bền vững giữa các địa phương, nhân dân hai bên biên giới"- Đại tá Vũ Đức Tú nhấn mạnh.
Bài 3: Sứ mệnh hợp tác và phát triển