Ông Lê Văn Thanh,Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu. Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Trước diễn biến của đại dịch COVID-19, với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2020, Bộ LĐTBXH đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Chương trình hỗ trợ bám sát 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42/NQ-CP; bảo đảm chính sách có tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền trên 45.600 tỷ đồng.
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Hiện nay, trong bối cảnh tác động do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, một bộ phận lao động đang bị ngừng việc, giảm giờ làm. Do đó đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ lao động khó khăn để giữ ổn định thị trường lao động.